
10:14 - 14/12/2018
‘Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng’
Theo Thứ trưởng Công Thương – Cao Quốc Hưng, hiện tại và trong giai đoạn phát triển tới năm 2030, tầm nhìn năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

EVN cho rằng, nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường.
Phát biểu tại hội thảo về Nhiệt điện than diễn ra vào sáng 13/12, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026 -2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.
Trong đó, theo ông Hưng, về thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết nên từ sau năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và khác thác thuỷ điện nhỏ, ít tác động tới môi trường.
Theo ông Hưng, hiện tại và trong giai đoạn phát triển tới năm 2030, tầm nhìn năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
“Một số dự án nhiệt điện than trong quy hoạch điện 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa thể khởi công một dự án nào trong vài năm qua. Vấn đề này đã ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc cung cấp điện, khi dự báo cho thấy Việt Nam bắt đầu thiếu điện kể từ năm 2019”, ông Hưng nói.
Ông Hưng nhấn mạnh rằng, phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới với một tỷ lệ thích hợp là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Để phát triển nhiệt điện than, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số hơi (nhiệt độ, áp suất) trên tới hạn và trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường. Phát triển nhiệt điện than phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Đối với các dự án xây mới, sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến (De-SOx, De-NOx, ESP khử bụi), đối với các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường; tăng cường các giải pháp sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng… nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như của quốc tế.
Công nghệ hiện đại không thua kém thế giới
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ – Môi trường Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các nhà máy điện than chiếm 35,06% tổng công suất toàn hệ thống trong đó EVN quản lý 12 nhà máy nhiệt điện than tổng công suất 9.585 MW, chiếm 23,14% toàn hệ thống
Các nhà máy nhiệt điện đốt than của EVN sử dụng các loại than Antraxit nội địa hoặc than Bitum, Subbitum nhập khẩu.
Theo ông Bình, hiện nay nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. trong đó phải kể đến một số nhà máy đã ứng dụng công nghệ siêu tới hạn (SC), công nghệ giảm phát thải carbon ra môi trường, tiêu biểu như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng…
“Các nhà máy điện đầu tư từ những giai đoạn trước cũng đang được đầu tư bổ sung hệ thống xử lý khí thải và nâng cấp dây chuyền thiết bị, giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao hiệu suất các tổ máy”, ông Bình thông tin thêm.
Cũng theo ông Bình, các giải pháp về môi trường được áp dụng đồng bộ từ hệ thống lọc bụi, hệ thống xử lý SO2, NOx, một số nhà máy nhiệt điện đầu tư lắp mới và cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý khí thải như Ninh Bình, Phả Lại, Uông Bí, Hải Phòng…
Tất cả các nhà máy nhiệt điện đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt đáp ứng theo QCVN 40 và hầu như được tái sử dụng không thải ra môi trường.
Công tác đảm bảo an toàn môi trường, khi đầu tư xây dựng nhà máy điện than đều được thực hiện các đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo đó đều đánh giá đầy đủ những tác động tiềm ẩn của dự án tới môi trường xung quanh cũng như đưa ra các biện pháp giảm thiểu như thay đổi công nghệ, biện pháp thi công phù hợp, lắp đạt các công trình bảo vệ môi trường, giám sát môi trường…
Mặt khác trong quá trình triển khai xây dựng, lắp đặt, thử nghiệm EVN luôn thực hiện và yêu cầu nhà thầu thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường theo Pháp luật và thực hiện đo đạc, phân tích chất lượng khí thải, nước thải, của nhà máy để đánh giá các công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức và định kỳ đo đạc khi đưa vào vận hành thương mại.
Các kết quả tính toán giới hạn nồng độ phát thải thường khắt khe hơn rất nhiều so với ngưỡng cho phép trong QCVN22 và các giới hạn nồng độ này được cam kết trong báo cáo ĐTM và là yêu cầu trong hợp đồng EPC.
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là xử lý tiêu thụ tro xỉ, theo EVN các nhà máy thuộc EVN đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập như VinaControl, JCOAL để tổ chức lấy mẫu tro xỉ và phân tích.
“Tro xỉ thuộc chất thải rắn công nghiệp thông thường, không phải chất thải nguy hại, được phép tái sử dụng để phục vụ cho mục đích xây dựng. Đối với tro xỉ than nội địa, cần phải tinh lọc để giảm hàm lượng carbon xuống <6% thì có thể sử dụng làm phụ gia xi măng”, ông Bình nhấn mạnh.
Hiện nay đối với các nhà máy nhiệt điện than của EVN tình hình tiêu thụ tro xỉ tương đối tốt, đã có nhiều đối tác liên hệ với các nhà máy để tiêu thụ tro xỉ.
Theo TheLeader.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này