
10:43 - 02/06/2023
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng nhảy vọt trong quý 2
Chiều 1/6, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Tại buổi họp báo, ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng cục Thống kê TP.HCM đã phân tích nguyên nhân tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong quý 2 ước đạt 5,87% (trong khi quý 1 tăng 0,7%). Một trong những nguyên nhân chính là sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, IIP tăng 1,62% so cùng kỳ.
Cùng với đó, sức mua của thị trường trong nước vẫn được duy trì, tổng mức bán lẻ hàng hoá 5 tháng tăng 9,4% so cùng kỳ, sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm.
Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc; lạm phát trên địa bàn TP.HCM bắt đầu giảm nhiệt và môi trường kinh doanh dần được cải thiện. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 18.243 nhưng có gần 25.100 doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của TP.HCM tiếp tục khó khăn khi các thị trường chủ lực chưa phục hồi; thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ. Ước tính 5 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước TP.HCM đạt 43% dự toán (giảm 4,5% so cùng kỳ).
Từ nay đến cuối năm, TP.HCM tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, kiềm chế lạm pháp, tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, có giải pháp để nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động; tăng cường xúc tiến đầu tư, thay thế, bổ sung các thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống đang gặp khó khăn…
Tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo phương án khép kín
Công an TP.HCM đang thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu Công an TP.HCM, qua thống kê của Công an TP.HCM cho thấy, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, trong đó có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo tổ chức nhiều đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. CSGT cùng các lực lượng chức năng quận huyện và TP Thủ Đức đang tập trung tuần tra, giám sát khép kín địa bàn nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.
Qua nhiều năm tuyên truyền, xử lý, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn tại TP.HCM giảm liên tiếp trong 8 năm gần đây. Theo thống kê của Công an TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 837 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 234 người tử vong, 398 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 241 vụ, giảm 48 người tử vong.
Xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn TP.HCM trong 5 tháng đầu năm là hơn 263.000 trường hợp vi phạm, số tiền phạt hơn 291 tỷ đồng. Trong số các vụ xử lý có 50.439 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm khoảng 19,12%).
“Qua theo dõi thời gian gần đây, đa số người điều khiển phương tiện giao thông đã có ý thức thực hiện nghiêm quy định về nồng độ cồn. Qua thực tế kiểm tra của lực lượng chức năng, số lượng người dân vi phạm nồng độ cồn có xu hướng giảm”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Theo Thu Hường/SGGP
Có thể bạn quan tâm
Bộ GTVT cam kết giảm bớt áp lực tăng phí
Giới khởi nghiệp Việt Nam lo gặp khó với Luật An ninh mạng
Gỡ vướng về ‘giấy chứng nhận chất lượng ôtô nhập khẩu’
Vietnam Airlines sẽ khử trùng toàn bộ các chuyến bay quốc tế
Mở rộng cửa bán lẻ điện để xóa bỏ độc quyền của EVN
Tags:kinh tế tp.hcmquý 2
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này