09:17 - 18/07/2017
Kinh tế thị trường lưỡng lự và sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản thân hữu
Quá trình liên kết và tương tác giữa các nhóm tư bản thân hữu và một vài cơ quan có trách nhiệm đã làm cho kinh tế thị trường ngày càng bị trọng thương (bởi rải đinh) hoặc bị thâu tóm (bởi nhóm tư bản thân hữu).
Ngày nay mọi người thường xuyên nghe nói đến chủ nghĩa tư bản thân hữu (CNTBTH). Kiểu như có luồng dư luận biết tường tận ông A, bà B nào đó, hoặc giữ vai trò chính thức hoặc núp bóng phía sau những dự án nào đó.
Chẳng hạn, một dự án giao thông được chỉ định thầu cho một đại gia, một ngân hàng yếu kém đang tái cấu trúc được ngầm định giao cho một tên tuổi đình đám nào đó thâu tóm, một dự án khai thác tài nguyên quốc gia được ưu ái giao cho một đối tác tai tiếng nước ngoài tiếp quản…
Những ví dụ này cho thấy CNTBTH còn được hiểu như là một biến tướng chính sách, nơi mà nguồn lực quốc gia được phân bổ dựa trên tầm ảnh hưởng của quyền lực, tiền bạc và sự tham lam. Tất cả quan điểm khác với thế giới quan của CNTBTH đều bị bác bỏ với những lý do hoàn toàn phi kinh tế thị trường. Hoặc được viện ra một điều mơ hồ nào đó liên quan đến an ninh quốc gia (chỉ có một số ít hạn hữu trong số đó là hợp lý). CNTBTH thời hiện đại còn liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. CNTBTH gắn với các dòng vốn quốc tế bất ổn là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính và mất chủ quyền ở nhiều quốc gia (FDI bẩn).
Ngược lại, trong kinh tế thị trường, về mặt lý thuyết, các quyết định đầu tư và phân bổ nguồn lực quốc gia đều dựa trên cơ sở thị trường. Ai, nhóm lợi ích nào phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất, giá cả thấp nhất với chất lượng tốt nhất sẽ được chọn. Chỉ có những người sáng tạo và giỏi nhất mới tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán khó như thế. Quá nhọc công để giải được bài toán phân bổ nguồn lực tối ưu nên tất yếu sẽ xuất hiện những nhóm lợi ích chọn con đường dễ dàng nhất là đút lót, tham nhũng, trốn thuế, làm ăn cẩu thả, chụp giựt, kinh doanh phi pháp với mức sinh lời cao nhất nhưng rủi ro ít nhất hoặc thậm chí không có rủi ro với cái giá phải trả của cả xã hội, đó chính là CNTBTH. Điều khôi hài là không ít trong số họ lại được vinh danh là tấm gương sáng.
Rất khó để có được kinh tế thị trường thực chất nếu như không có một hệ thống pháp lý tiến bộ và công tâm (rule of law). Nhưng ai sẽ đứng ra tương tác để làm cho các thể chế tiến bộ ngày càng hoàn thiện? Các doanh nghiệp tư nhân lo tập trung toàn bộ nguồn lực vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại nên không còn tâm trí đâu lobby chính sách. CNTBTH, ngược lại, mặc dù làm những điều không đem lại lợi ích cho xã hội nhưng lại có thừa nguồn lực để lobby chính sách trong việc chiếm hữu các cơ hội kinh doanh siêu lợi nhuận và nguồn tài nguyên quốc gia (rule of game).
Điều nguy hiểm là do làm ăn kiếm lời quá dễ như thế nên những người giỏi giang và ngay cả giới tinh hoa cũng ngày càng có xu hướng lựa chọn con đường thành công theo cách của CNTBTH. Bởi nếu muốn làm ăn chân chính họ cũng không thể nào tồn tại tốt như vậy được.
Thuật ngữ CNTBTH còn hàm ý một sự phát triển hoặc một khuynh hướng mang tính hệ thống. Chỉ cần một vài nhóm lợi ích liên kết với quan chức chính quyền để thâu tóm các lĩnh vực kinh tế trọng yếu liên quan đến quốc kế dân sinh thì nền kinh tế đã bị thiệt hại đáng kể. Nhưng như thế vẫn chưa thể gọi là CNTBTH khi chưa trở thành xu hướng. Chỉ gọi là CNTBTH khi các nhóm lợi ích đã phát triển hầu hết ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, ở các doanh nghiệp nhà nước, ở các khu vực kinh tế nội địa và cả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ động cơ tìm kiếm tư lợi (rent-seeking) từ phía các bộ ngành và địa phương sẽ ngày càng mãnh liệt, bằng việc họ cho ra lò hàng loạt quy định điều tiết và quản lý thị trường phức tạp để tạo ra môi trường đầu tư theo kiểu “trên rải thảm dưới rải đinh”. Đến lượt mình, môi trường kinh doanh hà khắc như thế lại càng kích thích thêm sự lây lan của các nhóm tư bản thân hữu. Quá trình liên kết và tương tác giữa các nhóm tư bản thân hữu và một vài cơ quan có trách nhiệm đã làm cho kinh tế thị trường ngày càng bị trọng thương (bởi rải đinh) hoặc bị thâu tóm (bởi nhóm tư bản thân hữu).
Điều cuối cùng cần nhớ: sẽ không bao giờ có sự hòa hợp giữa kinh tế thị trường và CNTBTH do cả hai dựa trên những phương pháp kinh tế và luật lệ hoàn toàn khác nhau về bản chất. Vì thế thật không có gì ngạc nhiên khi nói rằng kinh tế thị trường đúng nghĩa là kẻ thù số một của CNTBTH. CNTBTH sẽ tìm mọi phương cách và thủ đoạn để dập tắt các mầm mống phát sinh kinh tế thị trường ngay từ khâu hoạch định chính sách. Cứ như thế nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào sự phát triển của một số ít khối đại gia tư nhân hoặc của các nhóm nhà tư bản thân hữu khổng lồ, trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng thu hẹp đáng kể. Họ không thể lớn, không muốn lớn và cũng không dám lớn.
Tăng trưởng kinh tế cả nước chậm lại, bội chi ngân sách quốc gia và tình trạng hụt thu ngân sách ở một vài địa phương nước ta thời gian qua, oái oăm thay, là do những khó khăn của một vài lĩnh vực trong công nghiệp khai khoáng, dầu khí hoặc ở một số lĩnh vực trong khu vực có vốn nước ngoài hoặc do tình trạng “sức khỏe” yếu đi của các nhóm tư bản thân hữu trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng – kinh doanh bất động sản. Đó là những dấu hiệu cảnh báo về cái giá mà nền kinh tế gánh chịu do sự lệ thuộc quá mức vào một số ít tên tuổi trong khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế nước ngoài và nhóm các nhà tư bản thân hữu.
Chỉ có một cách duy nhất đẩy lùi và hạn chế sự phát triển của CNTBTH là phát triển một nền kinh tế thị trường đích thực. Nếu ngày hôm qua vẫn là một nền kinh tế thị trường lưỡng lự thì ngày mai sẽ là sự lên ngôi của CNTBTH.
Trần Ngọc Thơ
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này