15:29 - 31/05/2016
Nạn ‘doanh nghiệp thân hữu’ đang ngáng đường khối dân doanh
Những DN được gọi là “DN thân hữu” có DNNN, một số lớn DN FDI và một số ít DNTN lớn. Đây là thực tế đáng lo ngại cho sự phát triển DN nhỏ và vừa vốn yếu thế nhiều mặt.
Ngày 30/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức hội thảo “Báo cáo Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.
Vấn đề “doanh nghiệp thân hữu” đang tồn tại ở Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, đây là yếu tố đáng lo ngại, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tại Việt Nam.
Lo ngại “doanh nghiệp thân hữu”
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong Báo cáo 2035, tất cả 6 khuyến nghị chuyển đổi quan trọng để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, thoát bẫy thu nhập trung bình thì vai trò của DN đóng vai trò quan trọng.
Trong hiện đại hóa, phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, DNTN là cốt lõi, vai trò trung tâm.
Tuy nhiên, sự phát triển của DN ở Việt Nam đang có một thách thức rất lớn là vấn đề năng suất. Năng suất lao động của Việt Nam thấp và giảm đi trong tương quan với khu vực, thế giới.
Đặc biệt, năng suất của khu vực tư nhân giảm từ năm 2003 đến nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này.
Thứ nhất là quy mô DN quá nhỏ, không lớn lên được và DN quy mô nhỏ lại gắn với năng suất thấp.
Thứ hai là các yếu tố tạo nên năng suất từ năm 2000 đến nay đã bị cạn kiệt. DN cảm thấy đuối sức, bị vắt kiệt trong những năm qua.
Thứ ba là yếu tố thị trường. Các nhân tố thị trường không được cải cách kịp thời, việc phân bổ nguồn lực không theo tín hiệu thị trường.
“Vận hành các thị trường như vốn, đất đai… dồn nhiều cho khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), “DN thân hữu”, không dồn cho nhóm DN có năng lực cạnh tranh cao nền kinh tế. Chính sự phân bổ nguồn lực như vậy cộng với sự can thiệp sâu vào DNNN theo kiểu hành chính cũng khiến cho năng suất lao động ở DN Việt Nam không cao và không thể cao”, ông Lộc nói.
Điều phối chương trình thảo luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, việc phân loại các DN theo loại hình như DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DNNN, DNTN không chỉ có ở Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam lại còn có “DN thân hữu”.
Những DN được gọi là “DN thân hữu” có DNNN, một số lớn DN FDI và một số ít DNTN lớn. Đây là thực tế đáng lo ngại cho sự phát triển DN nhỏ và vừa vốn yếu thế nhiều mặt.
Nhà nước phải thay đổi
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nền kinh tế muốn phát triển thì cần phải làm cho “thị trường, thị trường hơn; cạnh tranh, cạnh tranh hơn; minh bạch, minh bạch hơn; và dân chủ, dân chủ hơn”.
Lĩnh vực nào chưa có thị trường thì xây dựng, “chỗ nào méo mó thì làm cho vận hành” tốt hơn vì chỉ có cạnh tranh mới có thị trường.
Để làm được điều đó, Nhà nước phải thay đổi vai trò của mình.
Một trong những mấu chốt là phải cổ phần hóa mạnh lên, thực chất hơn để làm nhỏ đi khu vực DNNN để người dân, DNTN có cơ hội hơn vì Nhà nước đang sử dụng tài sản công chưa tốt, chưa hiệu quả.
Theo ước tính của WB, GDP của Việt Nam khoảng 200 tỷ USD và tài sản công có quy mô lớn hơn 4 lần GDP, nghĩa là khoảng 800 tỷ USD.
Nếu sử dụng hiệu quả 1% thì con số đã lên đến 8 tỷ USD. Nếu làm được, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng GDP đến 13% thay vì như hiện nay.
“Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh) đòi hỏi thay đổi kiểm tra formaldehyde của hàng dệt may.
Thế nhưng, dù có áp lực mạnh từ Chính phủ, góp ý mạnh từ DN nhưng bộ, công chức liên quan vẫn nói mình đúng và cũng không bị trừng phạt gì cả.
Rõ ràng, thể chế đang không thúc đẩy thay đổi, công chức vẫn yên vị làm theo ý mình. Cái nhỏ không thay đổi thì cộng đồng DN không đặt niềm tin là có lý do”, ông Cung nêu ví dụ thực tế hiện nay và cho rằng, Nhà nước cần phải thay đổi và phải minh bạch hơn, từ đó có trách nhiệm giải trình thì mới có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
Trách nhiệm giải trình chỉ có được khi có áp lực bên ngoài, đó là DN, xã hội phát triển, hội nhập quốc tế thúc đẩy. Khi đó, Nhà nước sẽ thay đổi nhanh hơn. Nếu không, mọi sự thay đổi sẽ chỉ từ từ, không tạo bước ngoặt.
Là người chắp bút cho chương 7 về thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả của Báo cáo 2035, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, nhận xét, thể chế Việt Nam thời gian qua có nhiều đổi mới nên có những thành quả lớn.
Song thể chế vẫn còn có lực cản lớn, cần đổi mới mạnh mẽ hơn khi mà thiết chế công bị thương mại hóa, chưa tạo điều kiện cho DN phát triển.
Đây chính là dư địa cho quan hệ thân hữu làm sai lệch thể chế tạo lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.
Do đó, để hình thành thể chế tốt thì tiếng nói người dân, cộng đồng DN phải được đề cao, phải truy cứu được trách nhiệm với cơ quan nhà nước và sai sót phải được xử lý nghiêm minh.
Cũng theo ông Liên: “Thể chế hiện đại phải dựa trên các trụ cột là: Nhà nước pháp quyền; tôn trọng quy luật thị trường và các quyết sách phải dựa trên nguyên tắc thị trường”.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này