17:14 - 23/03/2016
Giao thương với Trung Quốc: Phải đưa về chuẩn chính ngạch
Trung Quốc có nhiều quy định và thường thay đổi bất chợt, đó là bài học thuộc lòng. Mua bán tiểu ngạch với Trung Quốc được xem là dễ tính. Nhưng cứ ỷ y đến lúc nào đó họ kiểm dính chất cấm thì đổ bỏ.
Trong năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 3 tấn vải, 100 tấn nhãn sang Hoa Kỳ, 1.200 tấn thanh long, 10,6 tấn xoài sang Nhật Bản, 16 lô vải (28 tấn) sang Úc…
Điều đó cho thấy, nếu làm hàng đạt chuẩn, thì không lo không bán được ra nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Chợ Lách, Bến Tre, nhà cung ứng trái cây sang thị trường chính EU, Mỹ và Trung Quốc.
Mỗi năm công ty Chánh Thu xuất khẩu trên 2.500 tấn trái cây các loại. Năm qua Chánh Thu xây dựng nhà đóng gói trái cây diện tích 3.000m2, đủ chỗ cho 200 công nhân làm việc, mỗi ngày đóng gói xuất khẩu trên 10 tấn sản phẩm.
Hàng sạch thì không lo
Bà Thu đối chiếu: Trung Quốc luôn tiêu thụ số nhiều, không cần tiêu chuẩn sạch, chỉ cần mẫu mã bên ngoài. Trong khi EU, Mỹ ngược lại, cần sản phẩm sạch từ trong ra ngoài.
Về giá, tuỳ thời điểm, khi cần thì thương nhân Trung Quốc bất chấp – giá cao cũng mua – nhưng khi họ không muốn thì chỉ có nước đổ bỏ.
“Thanh toán nhân dân tệ là chính, phải chuyển qua ngoại tệ mạnh, chịu phí rồi mới chuyển tiền về. Phải qua lại như cơm bữa mới nhận biết những tín hiệu khác thường, và phải biết cách để phòng rủi ro vì hầu hết đều phải cho họ nợ gối đầu. Phải cẩn thận, thiếu thông tin bạn hàng tới mức họ vỡ nợ mới biết thì thua là cái chắc”, bà Thu đưa ra lời khuyên.
Trung Quốc có nhiều quy định và thường thay đổi bất chợt, đó là bài học thuộc lòng. Mua bán tiểu ngạch với Trung Quốc được xem là dễ tính. Nhưng cứ ỷ y đến lúc nào đó họ kiểm dính chất cấm thì đổ bỏ.
Về lâu dài, người tiêu dùng Trung Quốc cũng sẽ phải mua sản phẩm sạch vì không ai muốn rủi ro, ai cũng cần an toàn.
Trong khi đó, bà Thu đã sáu năm kiên trì đưa chôm chôm vào EU (ba năm mở thị trường cho nhãn), bốn năm đưa chôm chôm vào thị trường Mỹ, và một năm đưa nhãn vào thị trường này.
Bà nhận xét: khó khăn nhất là rào cản kỹ thuật, phải cập nhật danh mục thuốc cấm sử dụng kịp thời và phải biết luật lệ ở nước mình bán hàng. Khó là vậy nhưng Chánh Thu vẫn làm được.
Nhà nước giúp xây dựng được nhiều nơi trồng theo chuẩn VietGAP, Global GAP, đóng gói đúng chuẩn thì nếu rủi ro ở Trung Quốc mình vẫn có thể xoay sang thị trường khác.
“Nên xây dựng luật về nông nghiệp của nước mình chặt chẽ như EU, Mỹ thì doanh nghiệp mình tự tin xuất khẩu hơn, ở bất cứ nước nào”, bà Thu nhấn mạnh.
Xu hướng chung là phải làm sản phẩm an toàn, bài bản, và hướng tới chính ngạch để: nâng tầm, nâng giá trị, tránh được rủi ro bất chợt; loại dần doanh nghiệp làm ẩu, gây hại người, gây bất an cho người tiêu dùng.
Bàn tay Nhà nước?
Vùng chuyên canh khoai Bình Tân đã tới 16.000 – 17.000ha, nhưng nhiều người bí quá không biết hướng đi. Mỗi ngày công ty Nhật Thành mua khoai của dân xuất qua Trung Quốc 2 – 3 container, tương đương cả trăm tấn, chưa kể các đầu mối khác.
“Chúng tôi rất muốn Nhà nước hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện để các doanh nghiệp ở đây đàm phán chính thức với bên kia biên giới, đưa các hoạt động vào chính ngạch để có sự bảo đảm pháp lý, chứ cứ mua bán tiểu ngạch, có chuyện gì Nhà nước không can thiệp được”, ông Huỳnh Hữu Có, chủ tịch HĐQT công ty CP khoai lang Nhật Thành, xã Thành Đông, huyện Bình Tân, Vĩnh Long mong muốn.
Do không nắm được tình hình, diễn biến cung – cầu nên dễ bị thương lái ép giá. Đàm phám trực tiếp, thoả thuận cung – cầu tương thích để bà con yên tâm sản xuất.
Các nhà sản xuất, kinh doanh lập hiệp hội điều tiết hàng hoá đảm bảo mua bán theo yêu cầu tránh tình trạng lúc ào ào, khi khê đọng.
Theo ông Có, chỉ có những thương lái nhỏ tìm tới đây, không phải là nhà buôn lớn nên rất cần Nhà nước giúp doanh nghiệp tiếp cận với những công ty làm ăn đàng hoàng, quy mô đủ lớn để bán hàng.
Người ta nói khoai lang Bình Tân ngon nhờ thổ nhưỡng, làm ăn chính ngạch giúp cho việc quy hoạch, phân công sản xuất tốt hơn để tránh đụng hàng; các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, vừa chống được nạn phân thuốc giả vừa đầu tư thêm khâu đóng gói, chế biến, tìm thị trường mới.
Người trồng biết chắc thu nhập, lợi nhuận, yên tâm làm tốt công việc của mình trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp có được môi trường tốt, phát hiện cơ hội mới, tránh tình trạng cách nhau không quá 30 cây số mà nhà máy làm miến khoai lang ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp phải mua bột khoai lang từ Bình Dương (qua công ty Hàn Quốc), trong khi công ty Nhật Thành làm ra bột khoai lang phải giữ miết 160 tấn trong kho.
Khánh An
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này