09:39 - 12/04/2017
Vụ Lee & Man: ‘Không mới, chỉ kinh ngạc’
Bắt đầu thực hành các thí nghiệm hoá học, ngay giờ đầu tiên, các giáo viên thường nhắc nhở học sinh phổ thông những biện pháp an toàn bản thân: hạn chế tối đa việc tiếp xúc hoá chất độc hại trực tiếp (qua da, qua tay, qua mắt), không hít, không ngửi (qua mũi), không nếm, không nuốt (qua lưỡi, qua miệng)…
Và khi lãnh đạo sở NN&PTNT Hậu Giang triển khai nuôi cá ngay ống xả thải của nhà máy giấy Lee & Man, nhằm “kiểm tra nước xả thải của nhà máy” và cho cán bộ có cá để ăn chứ không bán, không phải chuyện mới; vì hồi tháng 9/2016, người đứng đầu bộ Tài nguyên và môi trường đã chỉ đạo Formosa – Hà Tĩnh phải xây hồ sinh học chỉ thị nuôi cá cạnh khu xử lý nước thải. Điều này chỉ làm kinh ngạc, không chỉ cách xử lý vấn nạn môi trường mà còn là cách ứng xử nhân tâm, khi nói rằng cán bộ trong ngành (dưới quyền) sẽ ăn cá nuôi bằng nước xả thải từ nhà máy Lee & Man Paper, Trung Quốc!
Trong ngành độc học môi trường (Environmental Toxicology) đôi khi người ta cũng xem một số động vật hay thực vật có tính mẫn cảm mạnh hay khả năng thích ứng cao, làm những chỉ thị sinh vật (bio-indicators). Các loài này có thể tồn tại trong một số điều kiện nguồn nước bị ô nhiễm nhằm định mức chất lượng hoặc sự biến đổi của môi trường.
Thông thường, các loài sinh vật khảo nghiệm là các động và thực vật cấp thấp như các loại tảo (tảo lam, tảo lục, tảo silic, tảo mắt…), bèo, phiêu sinh thực vật (phytoplankton), phiêu sinh động vật (zooplantonk), động vật nguyên sinh (protozoa), vi khuẩn hiếu khí, một số động vật không xương sống (sò, ốc, trùng,…). Tất cả các loài này chỉ có thể chỉ thị ở một số chỉ tiêu nguồn nước ô nhiễm nhất định, chứ không thể là tất cả các chất gây độc. Khó chấp nhận được khi lấy cá làm chỉ thị đánh giá độ an toàn của nước thải công nghiệp.
Nhìn các kênh nước thải đen ngòm ở Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai… chắc chắn mức độ ô nhiễm đã vượt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) liên quan đến chất lượng nguồn nước. Vậy mà trong nước vẫn thấy nhiều loài cá còn sống, thậm chí sinh sản. Cá chỉ chết hàng loạt khi oxy đột ngột giảm thấp hay bị một độc tố cực mạnh giết. Chưa có nước nào lấy cá còn sống làm tiêu chí an toàn về chất lượng nước cho con người cả. Cá có thể bị phơi nhiễm do hấp thụ các độc chất, các vi lượng kim loại nặng… tích tụ trong các mô, trứng, gan, mỡ… Người ăn cá sẽ tiếp tục thu nhận các độc chất này, cũng tích tụ ở gan, mỡ, trứng, sữa, hoặc bào thai… trong cơ thể và có thể đến một lúc nào các độc chất sẽ tạo ra những chuyển hoá tế bào không kiểm soát, hình thành bệnh tật, ung thư cho người.
Trong các thí nghiệm về độc tố trong nguồn nước đối với một cá thể sinh vật nào đó, người ta dùng chỉ tiêu LD 50 (do JW Trevan đề xuất từ năm 1927). LD 50 là từ viết tắt của chữ medium letalis dosis (liều lượng gây chết trung bình), được định nghĩa là liều lượng chất độc gây chết cho một nửa (50%) số lượng cá thể dùng trong nghiên cứu sau một thời gian. Theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT, yêu cầu nước sau khi xử lý được phép xả ra môi trường khi nồng độ chì (Pb) nhỏ hơn 0,02mg/L đối với nước loại A và nhỏ hơn 0,05mg/L đối với nước loại B; hay nồng độ thuỷ ngân (Hg) phải dưới 0,01mg/L (A) – 0,02mg/L (B); hay nồng độ phenol phải thấp hơn 0,005 – 0,01mg/L… nhiều loại cá đen vẫn sống với nồng độ các chất này dù vượt hơn mười lần. Công bố của viện Y tế công cộng TP.HCM ngày 16.10.2012, với thực nghiệm LD 50 với cá vàng (một loài cá cảnh) trong nước có nồng độ phenol 125mg/L, thì cá vàng chết khoảng một nửa số lượng cá thể sau 24 giờ. Nghĩa là, với độc chất phenol gấp 125.000 lần mức QCVN 08-MT:2015/BTNMT cho phép xả thải ra nguồn nước thì mới có thể gây hại cho cá vàng. Trong khi đó, chỉ tiếp xúc một lượng nhỏ phenol qua da cũng có thể gây độc cấp tính, còn tiếp xúc mãn tính sẽ gây nguy cơ ung thư cho động vật có vú.
Những phát biểu để tạm yên lòng người dân (dù là phát biểu… ẩu) của một số giới chức có thẩm quyền, đối với những vấn đề hệ trọng đến sức khoẻ, sinh mệnh con người, sức khoẻ dòng sông, sức khoẻ hệ sinh thái thì phải rất cẩn thận, nếu không hậu hoạ vô cùng lớn cho dân tộc và cả đạo đức xã hội, khó lường trước. Nếu người phát biểu tự tin thì cứ ăn để chứng tỏ sự an toàn, để đối tác mát dạ nhưng đừng yêu cầu cán bộ, nhân viên cũng phải ăn như mình thì tội cho họ và cả gia đình họ nữa, nếu bản thân họ không thật sự muốn làm những con chuột bạch cho thí nghiệm sinh học và môi trường cho nhà máy Trung Quốc.
Một điều ngạc nhiên nữa, cần phải nói cho rõ là nghĩa vụ và trách nhiệm chứng minh khả năng xử lý nước đạt yêu cầu theo quy định Nhà nước là chủ nhà máy. Họ phải chứng minh và chính quyền địa phương phải làm công việc giám sát và chế tài việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư. Việc giám sát và lên tiếng phải kịp thời vì với quy mô sản xuất thử đã gây hoạ, nếu không ngăn chặn, khắc phục thì khi vận hành toàn bộ nhà máy sẽ là đại hoạ.
Hà cớ gì mà một ông giám đốc sở lại đứng ra lo nuôi cá nơi họng xả nước thải, tự lấy cá ăn để rêu rao với mọi người là nhà máy công nghiệp này xử lý chất thải tốt lắm, lại khiến cán bộ trong ngành làm chuột bạch. Trong khi nhiệm vụ chính là phải tích cực bảo vệ nguồn nước, mạng lưới sông rạch cho người dân canh tác trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Chủ đầu tư Trung Quốc phải làm việc này để chứng minh sự tôn trọng luật pháp, nhân dân, môi trường nơi họ đầu tư.
Lê Anh Tuấn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này