16:26 - 24/05/2024
Ưu tiên đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định số 422/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Quyết định số 422/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung mục tiêu về năng lực và kết cấu hạ tầng của hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030. Cụ thể, về năng lực, sẽ tăng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn; hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt khách.
Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng Cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM). Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.
Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ ĐBSCL, để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng – an ninh và chủ quyền biển đảo.
Quyết định số 422/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung quy hoạch các nhóm cảng biển, cảng biển và khu bến cảng.
Theo đó, có 5 nhóm cảng biển, trong đó nhóm cảng biển số 1 gồm 5 cảng biển ở miền Bắc: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.
Nhóm cảng biển số 2 gồm 6 cảng biển ở khu vực Bắc Trung bộ. Nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng biển ở khu vực Nam Trung bộ (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa).
Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng biển: cảng biển TP.HCM, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An.
Nhóm cảng biển số 4 đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 500 đến 564 triệu tấn (hàng container từ 29 đến 33 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 2,8 đến 3,1 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 đến 3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1%/năm.
Hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ, tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép (bao gồm khu bến Cái Mép và Cần Giờ), hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM.
Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng biển ở vùng ĐBSCL.
Theo Phan Thảo/SGGP
Ngày đăng: 24/5/2024
Có thể bạn quan tâm
Bộ Xây dựng bỏ đề xuất mỗi người chỉ được bán 3-5 căn nhà/năm
‘Mắc kẹt’ với lãi suất vay mua nhà, mua xe
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã
CPI tháng 2 tăng tới 0,8%
Kiến nghị xử lý sai phạm một số dự án BT, BOT tại TP.HCM
Tags:Cần Giờcảng cần giờ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này