11:06 - 30/06/2021
Từ 1/7 đăng ký thường trú tại Hà Nội, TP.HCM sẽ dễ hơn rất nhiều
Người dân không còn phải đáp ứng điều kiện tạm trú ít nhất một hoặc hai năm trở lên để được đăng ký thường trú tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc trung ương khác như bấy lâu nay nữa.
Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực kể từ 1/7 tới đây. Luật này được coi là một bước đột phá về quản lý cư trú với rất nhiều điểm tiến bộ, trong đó có việc bãi bỏ điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi năm 2013), trường hợp đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương ngoài việc có chỗ ở hợp pháp còn phải có thời gian tạm trú từ một năm trở lên (nếu đăng ký thường trú ở huyện, thị xã) hoặc tạm trú từ hai năm trở lên (nếu đăng ký thường trú ở quận).
Riêng tại Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2012 quy định các trường hợp đăng ký thường trú ở quận phải có thời gian tạm trú từ ba năm trở lên.
Hàng chục năm qua, các điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương phần nào gây khó khăn và trở ngại cho người dân khi muốn đăng ký thường trú để ổn định cuộc sống cũng như được hưởng các quyền lợi liên quan, dù họ đã có chỗ ở hợp pháp.
Tuy nhiên, với Luật Cư trú năm 2020, vấn đề này đã được giải quyết triệt để. Luật mới quy định điều kiện đăng ký thường trú tại tất cả 63 tỉnh/thành là như nhau. Theo đó, công dân chỉ cần có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
Ngoài ra, luật cũng quy định chi tiết về điều kiện đăng ký thường trú đối với một số trường hợp như: Chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình nhưng được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý; chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ; cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở…
Bộ Công an cho biết qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi năm 2013), việc thực hiện quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chưa thực sự hiệu quả. Quy định này chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.
Hơn nữa, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Do vậy, Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; việc đăng ký thường trú tại 63 tỉnh/thành là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
“Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp” – Bộ Công an cho hay.
Đối với thủ tục đăng ký thường trú, so với quy định hiện hành, Luật Cư trú năm 2020 giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú từ 15 ngày xuống còn 7 ngày.
Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này