17:39 - 03/06/2016
TPHCM vay gần 10.000 tỷ đồng chống ngập
Trung Nam Group là nhà đầu tư dự án có quy mô hơn 9.926 tỷ đồng này.
Sáng 3/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đại diện UBND TPHCM) và Trung Nam Group đã ký kết hợp đồng BT “dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Đến dự và chứng kiến lễ ký kết có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa và Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV Đoàn Ánh Sáng.
Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh cho biết, ngay sau khi ký kết, nhà đầu tư sẽ triển khai ký hợp đồng tư vấn thiết kế, giám sát, hợp đồng tín dụng nhằm thi công dự án ngay trong tháng 6 này.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm TPHCM đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Trung Nam Group là nhà đầu tư dự án có quy mô hơn 9.926 tỷ đồng này.
Để kiểm soát tình trạng ngập do triều dâng, Trung Nam sẽ tập trung xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định; 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m³/s; trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48m³/s; trạm bơm cống Phú Định công suất 36m³/s.
Trung Nam Group sẽ được UBND TPHCM thanh toán 16% giá trị hợp đồng BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.
Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM Nguyễn Ngọc Công cho biết, ngoài việc xây dựng hệ thống cống trên, để xóa ngập triệt để 31 điểm ngập cho khu vực trung tâm thành phố, trong năm 2016 sẽ tiếp tục xây 2 cống ngăn triều lớn còn lại là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên.
Như vậy, sau khi hoàn thành hệ thống đê bao và các cống ngăn triều trên, bên trong nội đô TP tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống cống thoát nước, nạo vét kênh rạch, nâng cao đường trũng cục bộ, xây dựng hồ điều tiết mới, hy vọng giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này