10:23 - 13/01/2023
Taxi truyền thống đang lấy lại vị thế?
Sau thời gian phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của loại hình taxi công nghệ cũng như sau đại dịch, các hãng taxi truyền thống đã có hướng đi mới để giành lại thị trường.
Ông Lê Hữu Hoài ở TP Thủ Đức, TP.HCM, nhận xét trước đây đi xe công nghệ có giá cước thấp hơn taxi truyền thống nhưng nay ngược lại đi taxi sẽ rẻ hơn khá nhiều. Trong khi đó, chị Trương Thúy Huệ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM quả quyết xe công nghệ tính giá cước như thế nào rất ít người tường tận. Giá thay đổi liên tục chỉ có tăng chứ không giảm, còn taxi truyền thống chỉ có một giá niêm yết rõ ràng. Do đó hành khách quay lại chọn taxi truyền thống ngày càng nhiều hơn.
Ông Hoài, chị Huệ là 2 khách hàng của cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đã nhận xét như trên. Nhiều người khi nói về thị trường vận tải cũng chung quan điểm như vậy.
Theo các khách hàng, trước đây xe công nghệ áp dụng tăng giá theo giờ cao điểm. Sau đó, nhiều hình thức “giá cước linh hoạt” khác được vận dụng như khu vực nào có ít xe của hãng hiện diện mà số lượng khách đông thì tự động giá cước tăng lên. Giá cước giờ cao điểm, giá cước linh hoạt nhiều thời điểm vọt 20%-30% thậm chí 50% so với giá cước công bố. Ngoài ra, hành khách còn phải thanh toán thêm phí tính theo thời gian di chuyển.
Chưa hết, hãng xe công nghệ còn đưa ra nhiều loại phụ phí để thu thêm tiền khách từ vài ngàn đồng cho đến cả chục ngàn đồng. Có thể liệt kê một số phụ phí như phí chờ khách, phụ phí ban đêm, phụ phí trời mưa, phụ phí thời tiết, phụ phí thêm điểm đến, điểm dừng, thay đổi điểm đến. Ngay cả việc sử dụng app cũng phải trả từ 2.000-5.000 đồng cho mỗi lần mở lên.
Đặc biệt, mỗi dịp lễ, Tết… nhiều hãng xe công nghệ có lý do áp dụng phụ phí và đây được xem là hình thức tăng giá cước.
Sự chuyển mình của taxi truyền thống
Vài năm trước, các hãng taxi Mai Linh, Vinasun cũng như nhiều đơn vị taxi truyền thống khác từng phải tính toán thu hẹp hoạt động xuống mức thấp nhất vì sự trỗi dậy của xe công nghệ. Thời điểm đó, nhiều hãng chỉ còn hoạt động cầm chừng, lỗ liên tục. Chẳng hạn, Vinasun được xem là “mạnh” cũng phải cắt giảm đáng kể số đầu xe. Những đơn vị khác chỉ còn hoạt động được 20%-30%, nguy cơ phá sản hiển hiện…
“Thời thế thay đổi”, sau khi chiếm ưu thế thị trường, hãng xe công nghệ bắt đầu tăng giá cước, trong đó đưa ra liên tục các loại phụ phí để “moi” tiền. Những tài xế thành viên của hãng cũng bị áp dụng chính sách gây ấm ức. Họ cho hay hãng xe công nghệ ngày càng đẩy mức chiết khấu lên rất cao mà việc được thưởng ngày càng khó khăn. Nhiều người trong số này có ý định hoặc đã đầu quân hẳn cho taxi truyền thống để có thu nhập tốt.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, nhận định khi thành phố mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, nhiều hãng taxi nỗ lực khôi phục hoạt động, đưa hàng loạt phương tiện tưởng chừng nằm bãi trở lại phục vụ. Thời gian đầu, các hãng gặp khó khăn như thiếu tài xế, thiếu phương tiện, thiếu vốn và lượng hành khách sụt giảm mạnh. Thế nhưng, bằng nội lực và quyết tâm, các hãng vẫn cố gắng và đến giờ này nhiều hãng taxi vẫn trụ và có thể sống được dù sức phục hồi chỉ đạt 50% trước dịch (do thói quen tiêu dùng của hành khách thay đổi, phương tiện nhập khẩu hạn chế).
Trong đó, việc giữ giá cước ổn định là một lợi thế của taxi truyền thống dù cao điểm hay lễ, Tết. Kế đến, các hãng mạnh tay sàng lọc, xử lý nghiêm tài xế bắt chẹt khách như “vẽ đường”, không trả lại tài sản khách để quên… và tài xế cũng ý thức được “nồi cơm” của mình nên tuân thủ rất tốt.
“Để taxi truyền thống hồi sinh mạnh mẽ, phục vụ tốt lượng hành khách cũng như góp phần bảo đảm an toàn trật tự giao thông trên địa bàn TP.HCM, rất cần những chính sách cởi mở của ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận đầu tư phương tiện mới hay chính sách ổn định giá xăng dầu. Ngoài ra, nên xem xét việc cấm dừng, đỗ ôtô trên một số tuyến đường để hành khách dễ tiếp cận taxi hơn” – Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM nêu ý kiến.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này