10:46 - 08/08/2024
Sẽ hạ lãi suất vay mua nhà ở xã hội
Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản thống nhất đề xuất của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua nhà ở xã hội từ 3 – 5%.
Nội dung được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng chia sẻ vừa qua tại họp báo Chính phủ thường kỳ.
Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), có thêm TPbank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số có 8 ngân hàng thương mại tham gia, với 140.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến với các bộ, ban, ngành liên quan đến hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5% (còn đối với khách hàng là Chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%).
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng như phù hợp với Thông báo 123 của Chính phủ ngày 27/3/2024, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội, Nghị quyết 44 của Chính phủ 05/04/2024, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương, Công điện số 32 ngày 05/04/2024 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành tăng cường tín dụng năm 2024.
Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng hồi tháng 5, Bộ Xây dựng cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 640 tỷ đồng cho 8 dự án nhà ở xã hội, tương ứng chỉ giải ngân khoảng 0,53%.
Đáng chú ý, liên quan đến việc khó tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng, thông tin mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết dù TP có 6 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng mức dự kiến vay là 2.776 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay chưa có dự án nào được vay theo gói tín dụng này. Bởi lẽ, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định để đồng ý cấp tín dụng cho các chủ đầu tư, các ngân hàng có quy định riêng về các điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản cho vay theo quy định.
Theo quan điểm của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, nếu là vay ưu đãi vì mục đích hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thì nên duy trì ở mức thấp hơn, hoặc bằng lãi huy động của các ngân hàng. Còn lãi vay ưu đãi tới 7,5%/năm là không thực chất.
“Mức lãi vay ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội từ gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng nên duy trì ở mức khoảng 5%/năm là phù hợp. Mức lãi vay này cũng cần được duy trì ổn định trong thời gian dài để hỗ trợ người dân” – ông Phương kiến nghị.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), gói tín dụng 120.000 tỷ đồng quy định lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư nhưng “thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi”, do vẫn hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó. Thời hạn ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay.
HoREA cũng từng kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5% một năm phát triển nhà ở xã hội. Gói 110.000 tỷ này từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng 2/2023. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây). Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo Diệu Hoa/DĐDN
Ngày đăng: 8/8/2024
Có thể bạn quan tâm
‘Mọi chiếc xe sinh ra đời đều bình đẳng’
Nghệ An: Bắt tàu đổ hàng trăm tấn chất thải xuống biển
Quảng Ngãi: Dừng cấp phép các dự án hai bên sông Trà Khúc
Mỗi ngày Formosa Hà Tĩnh đang thải 200-220 tấn chất thải rắn
Cần cơ chế đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL
Tags:nhà ở xã hội
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này