11:24 - 17/03/2019
Quảng cáo trên xe buýt TP.HCM, cục xương khó gặm!
Lần thứ 4 đấu giá quảng cáo trên xe buýt thất bại. Hàng ngàn xe buýt ở TP.HCM vẫn “ăn” bám vào ngân sách…
Liên tiếp thất bại là lẽ tất nhiên
Theo kế hoạch, ngày 8/3/2019 diễn ra phiên đấu giá quảng cáo lần thứ 4 trên thân xe buýt tại TP.HCM. Tuy nhiên, lần đấu giá này tiếp tục không có hồ sơ nào đăng ký tham gia, nên không thể thực hiện và đang phải gia hạn đến ngày 12/3 đấu giá lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong lần đấu giá thứ 4, trung tâm Quản lý giao thông công cộng (trung tâm) – sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM chia nhỏ thành 11 gói thầu, trong đó gói thấp nhất gồm năm tuyến và cao nhất là tám tuyến xe buýt. Điều kiện tham gia đấu giá và thuê quảng cáo được linh động hơn, khi cho phép đơn vị tham gia đấu giá lựa chọn thời gian thuê quảng cáo là một năm, hai năm hoặc ba năm (những lần trước áp dụng cố định ba năm). Đồng thời, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá cũng được phép đặt cọc tiền mặt tương ứng với thời gian thuê, thấp nhất là 5% so với giá khởi điểm của gói thuê ba năm, 7% thuê hai năm và 10% thuê một năm. Tuy nhiên, dù có linh động ở hình thức đóng cọc, nhưng giá tổng thể gói thầu vẫn quá cao, nên không thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo cho rằng, lẽ ra sau ba lần thất bại trước đây vì không có doanh nghiệp nào tham gia đấu giá, ngành giao thông phải tìm giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia. Ít nhất, khi thất bại đến lần thứ 2, thì trung tâm và sở GTVT TP.HCM phải xem lại cách làm có hợp lý chưa, để kịp thời điều chỉnh phương án gọi thầu. Đến lần đấu giá thứ 4, cách xử lý vẫn
không mới, dẫn đến thất bại là khó chấp nhận.
Phải thay đổi cách quản, cách tính
Theo các doanh nghiệp chuyên về quảng cáo, ngoài nguyên nhân giá sàn cao, việc ít doanh nghiệp tham gia đấu giá quảng cáo trên hơn 1.500 xe buýt còn lại của TP.HCM là vì gói thầu ngon nhất (gần 500 xe buýt chuyên chạy các tuyến ở khu vực trung tâm) đã được một doanh nghiệp đấu giá thành công ở lần đấu đầu tiên. “Số xe còn lại chủ yếu chạy ở các tuyến đường ít dân, ít qua trung tâm, nhưng giá sàn đấu giá vẫn như tuyến ngon, nên không ai tham gia nữa. Thất bại là điều dễ thấy”, ông Nguyễn Thanh Hoà, giám đốc một doanh nghiệp quảng cáo ở quận 3, phân tích.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp quảng cáo tính toán, hệ số thời gian khai thác của hợp đồng thuê quảng cáo trên thân xe buýt chưa phù hợp. Lý do là sau khi mua gói quảng cáo, doanh nghiệp mất thời gian làm việc với đối tác, dán quảng cáo, nghiệm thu…, sau đó mới thu được tiền từ quảng cáo. Vì vậy, thời gian thực tế khai thác thấp hơn so với hợp đồng, cũng là nguyên nhân khiến ít doanh nghiệp màng tới.
Trước thực trạng trên, không ít các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và giao thông khẳng định, việc tiếp cận thị trường cũng như cách cung ứng dịch vụ của ngành giao thông trong việc đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt đang có vấn đề và cần phải thay đổi ngay. Đầu tiên, cần thay đổi tư duy quảng cáo trên xe buýt, trong đó có thể ngưng tổ chức đấu thầu, thay vào đó mở một phòng kinh doanh để tiếp cận và đi sâu vào thị trường, chủ động tiếp thị, quảng cáo nhằm thu hút doanh nghiệp. Việc quảng cáo cần hướng đến nhiều đối tượng khác nhau và hình thức quảng cáo không chỉ áp dụng ở thân xe buýt, mà có thể thực hiện thêm ở các trạm dừng, phía trong xe…
Kế đến là phải chủ động tìm đến các doanh nghiệp, chứ không thể để khách hàng tự tìm hiểu. Phải đưa ra chiến lược kinh doanh, chứ không thụ động theo kiểu “cọc đi tìm trâu”. Thất bại sẽ còn dài dài nếu không thay đổi cách quản và cách tính.
Giang Thanh – Đằng Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này