09:45 - 10/11/2016
Nỗi lo nhà sập giữa Sài Gòn
Chui rúc và thót tim trong những căn hộ chung cư xuống cấp, chờ sập nhưng không dám và không có đường… lùi – là thực tế khốn khó của hàng vạn người dân TPHCM trong cơn lốc chỉnh trang đô thị, nhưng vì “đất không đẹp” ít ai dòm ngó và cứ thế hoang tàn.
Cận cảnh sợ hãi
Nói đến chung cư cũ hoang tàn thì không thể không nhắc đến chung cư Vĩnh Hội, phường 6, quận 4, TPHCM hiện chẳng khác nào một khu ổ chuột đúng nghĩa của nó. Mạng người ở trong ba lô nhà A, B, C tạo thành hình chữ U của chung cư này bị treo lơ lửng là thế nào?
“Không sống ở đây thì biết ở đâu. Giờ kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày đã khó thì lấy đâu ra tiền để mua ở chỗ khác. Thôi thì cứ thế liều vậy”, bà Thuỷ, một hộ sống ở lô A chung cư này chia sẻ và thông tin thêm chủ trương di dời chung cư này đã có vài năm rồi, nhưng do phương án di dời chưa thống nhất được nên người dân cứ thế phải liều.
Nói liều cũng không ngoa, bởi theo ghi nhận của phóng viên TGTT thì toàn bộ khu chung cư này rách toác khắp nơi. Đặc biệt, có những căn hộ trần nhà đã trơ khung sắt. Vậy mà, phía dưới người già và trẻ em cứ thế sống, sinh hoạt và ngủ nghỉ.
“Hộ nào sợ quá thì đêm ra hành lang ngủ tạm, để lỡ “có biến” thì dễ bề thoát thân”, bà Thuỷ ngao ngán nói.
Đặc biệt, cứ mỗi xe tải nặng qua cầu là chung cư rung lên bần bật. “Nhiều đêm đang ngủ thấy chung cư rung lắc quá là phải đánh thức con cháu chạy ra ngoài chờ hết rung và ổn rồi mới dám ngủ tiếp. Nói thật, cứ thót tim kiểu này thì chung cư chưa kịp sập thì người đã “sập” vì sợ tới chết rồi”, ông Thanh một hộ dân ở lô B chung cư Vĩnh Hội, nói.
Tương tự, những ngày này ghé khu chung cư Thanh Đa thì ai cũng dễ dàng nghe được những lời than vãn, hoảng sợ từ hàng loạt hộ dân sống nơi đây. Tường nghiêng, nhà nứt thấm, ngập thường trực đe doạ móng, đế chung cư.
Tình trạng này cũng là tình trạng chung của hàng trăm khu chung cư ở các quận không phải là trung tâm như Tân Bình, quận 6, quận Bình Thạnh đang phải chịu. Theo đó, đang có hàng vạn gia đình cứ thế phải ở, phải chờ để được có nơi ở mới với điều kiện thoả thuận dễ thở. Việc này xem ra không dễ!
Không phải đất vàng thì “hãy đợi đấy”!
Nguyên nhân lớn của việc “ì” cải tạo chung cư cũ là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo sở Xây dựng TPHCM, hiện có 474 chung cư cũ, với khoảng 27.000 hộ gia đình đang sinh sống; 1/3 trong số đó được xây dựng trước năm 1975.
Hiện nay, các chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng. Mười năm qua, thành phố chỉ mới tháo dỡ và di dời 32 chung cư cũ, hư với diện tích 204.000m2; di dời 4.000 hộ gia đình và xây mới 462.000m2 diện tích, hơn gấp đôi diện tích đã bỏ đi.
Vấn đề “ì” là do đơn giá bồi thường quá thấp. Trả lời phương tiện truyền thông, ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc sở Xây dựng TPHCM thừa nhận ngoài ra, một phần cũng do chủ đầu tư áp mức giá đền bù không hợp lý.
Ví dụ, chủ đầu tư áp dụng đơn giá căn hộ ngoài phần đổi ngang thì phần diện tích căn hộ lớn hơn có trường hợp tính theo thị trường, có trường hợp tính theo hướng bảo toàn vốn. Thế nhưng, trong trường hợp bảo toàn vốn lại tính luôn tiền tạm cư.
“Tôi không đồng tình với cách tính này của chủ đầu tư, bởi nó có nghĩa là người dân phải trả tiền tạm cư cho chính mình. Nhà đầu tư được hạch toán nhưng chỉ tính vào căn hộ thương mại sở hữu riêng của chủ đầu tư để thu hồi vốn nên người dân không chịu là đúng”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Vấn đề này, về phía người dân, người am hiểu, còn có một nguyên nhân khác khiến hàng trăm chung cư chờ sập vẫn bí lối ra là do các chung cư như Vĩnh Hội, Thanh Đa, hay hàng loạt chung cư ở quận Tân Bình, quận 6… không nằm ở vị trí đắc địa.
“Các chung cư cũ ở quận 1, quận 5, quận 3 được nhà đầu tư giành nhau hà rầm. Không phải đơn giản mà nhào vô xin cải tạo được đâu nhé”, ông Thặng, một người hoạt động trong lĩnh vực nhà đất, nói thẳng.
Việc đó, theo ông Thặng, cũng dễ hiểu, bởi các chung cư cũ ở quận 1, quận 3 thường trên những khu “đất vàng” nên nhà đầu tư nào cũng muốn gom, muốn lấy, bởi làm cái gì cũng dễ dàng sinh lợi. Còn nhào vô các chung cư cũ không phải là “đất vàng” thì chỉ có cái khổ thân.
“Tôi đề nghị thành phố phải có quy định kiểu nhà đầu tư nào lấy một dự án chung cư cũ ở khu “đất vàng”, thì phải lấy kèm theo một chung cư cũ ở những nơi không nhà đầu tư nào thèm ngó. Có như thế mới mong đẩy nhanh kế hoạch triệt chung cư chờ sập ờ TPHCM”, ông Thặng kiến nghị.
Kiến nghị của ông Thặng có lý riêng. Cụ thể, theo công bố hồi đầu tháng 9 của sở Xây dựng hiện có hàng chục nhà đầu tư đăng ký đầu tư cải tạo, xây dựng mới thay thế các chung cư cũ.
Các chung cư cũ mà những nhà đầu tư này nhắm, theo công bố hồi đầu tháng 9 của sở Xây dựng, đều chủ yếu tập trung ở những khu vực trung tâm “đất vàng” như quận 1, quận 3, quận 5. Cụ thể, tại khu vực quận 1 với 98 lô chung cư thì đã có một doanh nghiệp “đặt chỗ” gần 90 lô. Theo đó, đã có một “cuộc chiến ngầm” để giành cải tạo chung cư cũ ở quận 1. Tương tự, đã có một tập đoàn đòi ôm hẳn 11 lô thuộc chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở quận 3.
Đằng Giang – Triều Thanh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này