17:06 - 09/10/2020
Nhiều dự án BOT vỡ phương án tài chính nếu không tăng phí
Bộ GTVT vừa thừa ủy quyền Chính Phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa 14 và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 13. Trong đó, nêu rõ những khó khăn của các dự án BOT.
Theo đó, Bộ GTVT cho rằng đến nay, 100% các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá.
Theo hợp đồng đã ký, đến nay, có 49 dự án BOT đến kỳ tăng phí. Tuy nhiên, do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng phí nên theo tính toán sẽ có nhiều dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022.
“Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu… Bộ GTVT đã rà soát, tính toán cụ thể và lấy ý kiến các bộ, ngành tổng hợp báo cáo Thủ tướng phương án xử lý…”- Bộ GTVT cho hay.
Về việc rà soát, xử lý các bất cập về vị trí trạm BOT, Bộ GTVT tiếp tục trình bày tương tự báo cáo gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 9 hồi đầu năm. Theo đó, vẫn còn bốn trạm BOT giao thông do tính chất đặc thù nên việc triển khai tháo gỡ vướng mắc gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trạm Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía tây TP Thanh Hóa) do nằm ngoài phạm vi dự án, nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn.
Tuy nhiên, nếu di dời về đây sẽ có ba tuyến song hành gồm quốc lộ 1 qua TP Thanh Hóa, tuyến tránh phía đông và tuyến tránh phía tây nên không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án. Do vậy, dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.
Đối với trạm thu phí trên quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3), hiện Bộ GTVT và tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất về phương án giảm giá.
Tuy nhiên, theo ý kiến của tỉnh Thái Nguyên, còn một bộ phận người dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại trạm thu phí, yêu cầu dỡ bỏ trạm thu phí. “Trường hợp quá khó khăn, Bộ GTVT sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng bố trí nguồn vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên quốc lộ 3…” – Bộ GTVT đề xuất.
Với trạm T2 (hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và quốc lộ 91B), Bộ GTVT đã làm việc với tỉnh Cần Thơ, An Giang và thống nhất không tiếp tục thu phí.
Cạnh đó, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B, giao UBND TP Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến quốc lộ 91B.
Đối với trạm thu phí La Sơn – Túy Loan, Bộ cho biết hiện Bộ Tài chính đã đề xuất với Thủ tướng phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn Nhà nước nhằm hỗ trợ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, quan điểm Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thì cơ chế thu phí trạm La Sơn – Túy Loan không chịu tác động của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.
Bộ GTVT cho rằng các trạm trên đến nay vẫn chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu. “Trường hợp không được khắc phục sớm sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia cũng như môi trường thu hút đầu tư, tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo…” – Bộ GTVT nhìn nhận.
Theo Viết Long/Pháp Luật TP.HCM (link bài gốc)
Có thể bạn quan tâm
Thanh tra tại 2 nhà máy lọc dầu và 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
Nghi án
Giải ngân đầu tư công vẫn chưa cải thiện do vướng quy định
Cục An toàn thông tin đưa ra giải pháp xử lý mã độc tống tiền
Bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và nạn ‘con ông cháu cha’
Tags:dự án botthu phí bot
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này