
09:57 - 04/07/2024
Nguồn cung khan hiếm, giá căn hộ tiếp tục tăng cao
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM được các đơn vị dịch vụ và môi giới bất động sản (BĐS) nhìn nhận tăng dần và tiếp tục có xu hướng neo cao. Trong khi đó, dự báo về nguồn cung mới vẫn rất hạn hẹp.
Giá tăng gấp đôi
Anh Nguyễn Hữu Hảo (35 tuổi) là kỹ sư tại một nhà máy sản xuất trong Khu công nghệ cao TP Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, mỗi tháng thu nhập của anh là 17 triệu đồng; còn vợ làm trong một doanh nghiệp tư nhân được 8 triệu đồng. Với khả năng thu nhập, vợ chồng anh Hảo có thể mua được căn hộ chung cư giá khoảng 1,4 tỷ đồng và trả trước 30%, mỗi tháng ngân hàng hỗ trợ cho vay và trả gốc, lãi khoảng 10 triệu đồng.
Anh Hảo bộc bạch: “Đã nhiều tháng nay, tôi tìm kiếm dự án chung cư có thể đáp ứng được nhu cầu, điều kiện và mong muốn của vợ chồng nhưng không có, bởi giá căn hộ đều cao gấp nhiều lần khả năng chi trả”.
Tâm tư của anh Nguyễn Hữu Hảo cũng là nỗi lòng của không ít gia đình hiện nay, nhất là những gia đình trẻ có thu nhập ở mức trung bình. Một khảo sát mới đây của trang Batdongsan.com.vn với 537 nhà môi giới BĐS chung cư trong đợt “sốt” giá những tháng đầu năm 2024 cho thấy: 32% ý kiến cho rằng giá tăng do khan hiếm nguồn cung, ít lựa chọn; 23% ý kiến cho rằng nhu cầu mua nhà tăng trở lại mạnh mẽ; 15% ý kiến cho rằng nguồn cung mới giá quá cao; 15% ý kiến là do nhu cầu đầu tư, đầu cơ đẩy giá…
Báo cáo của trang Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra so với giai đoạn 2013-2016, giá bán chung cư giai đoạn 2023-2024 đã tăng gấp đôi. Hiện giá trung bình 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 45 triệu đồng/m2.
Công ty đầu tư và dịch vụ BĐS thương mại CBRE (Mỹ) cũng đánh giá, quý I và nửa đầu quý II/2024, thị trường BĐS Việt Nam phục hồi tích cực qua từng tháng. Tuy nhiên, vấn đề là giá BĐS dường như đã tăng “quá đà”.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận định giá, nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam, nguyên nhân chính là do lượng cung nhà ở vẫn quá thấp. Cụ thể, dự báo trong cả năm 2024, thị trường BĐS tại TP.HCM chỉ có khoảng 8.000 căn hộ chào bán ra thị trường (mức rất thấp so với trung bình 30.000 căn/năm trong 10 năm qua). Riêng trong quý I/2024, tổng nguồn cung căn hộ chung cư tại TP.HCM chỉ khoảng 1.000 căn.
Gỡ vướng pháp lý, duy trì lãi suất cho vay
Thời gian qua, tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, nhiều doanh nghiệp như Novaland, Nam Long, An Gia, Hoàng Quân, Becamex, Vinhomes… tuyên bố sẽ ưu tiên bỏ vốn triển khai các dự án nhà ở phù hợp với số đông như nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề trong các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc này.
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến nguồn cung này. Thứ nhất, chi phí đầu vào tăng cao. Điều này kéo theo việc chi phí đầu tư, triển khai xây dựng của chủ đầu tư dự án BĐS thêm tốn kém. Thứ hai, tình trạng pháp lý của các dự án BĐS bị kéo dài, mất rất nhiều thời gian để được tháo gỡ. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp đặc thù như BĐS, đa số đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao, việc vay nợ từ các kênh trái phiếu, ngân hàng là rất lớn. Dự án bị kéo dài thì doanh nghiệp vẫn phải “gánh” số tiền lãi từ vay nợ. Tất cả những khoản chi phí đó đều sẽ cấu thành vào giá sản phẩm sau khi được hoàn thiện. Do đó, rất khó để doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp hoặc phù hợp với khái niệm “vừa túi tiền” theo đại đa số mong muốn của người dân!
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án (DKRA Group) cho biết, trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp BĐS kỳ vọng trong khoảng 3-5 năm tới, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền sẽ tăng cao, bù đắp sự thiếu hụt về nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân trong thời gian vừa qua. Để làm được điều này, vai trò của nhà nước vẫn là quan trọng nhất, giữ nhiệm vụ chủ đạo để điều hành, định hướng sự phát triển của thị trường thông qua các chủ trương, thể chế, chính sách…
Trong đó, quan trọng nhất là giải quyết toàn bộ các vấn đề pháp lý cho dự án, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai xây dựng. Đặc biệt, các bộ luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh BĐS vừa được sửa đổi bổ sung chắc chắn sẽ tác động tích cực ngay lập tức tới nguồn cung trên thị trường sau khi được chính thức thi hành.
“Nên kiến tạo thêm nhiều quỹ đất sạch và đưa ra đấu giá để doanh nghiệp tiếp cận đất được dễ dàng. Còn về phía doanh nghiệp thì bản chất vẫn là mối quan hệ cung – cầu, nếu giá chi phí đầu vào tăng sẽ đẩy giá bán lên cao và ngược lại, nếu tiết giảm được chi phí thì giá thành phẩm BĐS sẽ ngay lập tức sụt giảm”, ông Võ Hồng Thắng chia sẻ.
Theo Đức Trung/SGGP
Ngày đăng: 4/7/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này