
12:09 - 29/09/2019
Người thợ đóng thùng cuối cùng ở Phan Thiết
“Bây giờ tất cả nhà thùng đều xài thùng mới rồi, bồn xi măng nữa. Tui chỉ đi sửa mấy cái thùng cũ là chính”, ông Lương Văn Thẳm, người thợ đóng thùng nước mắm truyền thống tại Phan Thiết, tâm sự với chúng tôi.

Cùng với nhu cầu về nước mắm truyền thống đang dần co hẹp, vài năm trở lại đây, cũng chẳng còn mấy nhà thùng thuê hai “thầy trò” đi đóng thùng mới.
Phan Thiết ngày xưa nổi tiếng với Rừng Lá, nguồn cung cấp nguyên liệu để đóng thùng chượp nước mắm. Rừng kéo dài đến tận Xuân Lộc, Đồng Nai. Thùng là một bước tiến từ sản xuất nước mắm quy mô nhỏ chượp cá trong mái vú lên quy mô lớn trong các nhà lều. Mái vú chỉ có dung tích chừng 100 – 200kg nguyên liệu. Thùng dung tích lên đến 10 tấn, thậm chí 20 tấn. Hiện nay bể xi măng lớn hơn đã thay thùng, vì nguyên liệu đóng thùng không còn.Nên nghềđóng thùng cũng lụi tàn.
Ba đời làm nghề thợ đóng thùng
Dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhắn, ông Thẳm cùng thợ phụ là ông Huỳnh Văn Khăm đẩy một thùng nước mắm của công ty nước mắm Con Cá Vàng (Phan Thiết) ra giữa sân để sửa. Sinh năm 1956 tại vùng đất này, ông Thẳm năm nay đã 63 tuổi, còn ông Khăm cũng đã 51 tuổi. Cả hai đã gắn bó với Phan Thiết từ thuở lọt lòng.
Vừa dùng cái vồ (cái búa bằng gỗ lớn, nặng hơn 5kg) gõ vào những kẽ hở của thùng nước mắm để tìm chỗ rò rỉ, ông Thẳm vừa kể chuyện: “Tui vào nghề này từ năm 16 tuổi, được ông già truyền lại. Trước đó, ông nội tui cũng làm thợ đóng thùng ở Phan Thiết.Tính ra cả dòng họ làm nghề gần cả trăm năm rồi chứ ít ỏi gì”.
Ông Khăm cũng cho biết, ông đã theo ông Thẳm làm nghề này hơn 20 năm nay. Dáng người cao, gầy, ông cười nói: “Mình làm thợ phụ, nhưng cũng biết làm hầu hết các công đoạn. Nhưng thường thì người ta biết tới ông Thẳm, rồi ổng nhận mối, tui theo phụ. Sau giờ làm thì hai thầy trò đi nhậu lai rai”.
Những đồ nghề của hai “thầy trò” đơn sơ không như chính cái nghề của hai ông, chỉ gồm một cái búa lớn bằng gỗ, gọi là cái vồ, một cái búa nhỏ gọi là cái chạm và một cái dùi nhỏ, gọi là nạm. Một người cầm chạm, người kia cầm vồ đập vào từng kẽ hở lớn trên thân thùng, cứ vậy xoay vần cái thùng để tìm chỗ rò rỉ.
“Đốt sách tuyệt chiêu”
Anh Lê Văn Minh, trưởng phòng kỹ thuật của công ty nước mắm Con Cá Vàng, kể với chúng tôi: “Hiện nay nhu cầu về đóng thùng nước mắm truyền thống là rất ít. Có nhiều lý do, trong đó lý do chính là không khả thi về mặt kinh tế, nếu so sánh với việc làm bồn bằng xi măng. Một cái thùng gỗ như vầy có thể tốn khoảng 50 – 60 triệu đồng, chứa khoảng 6 mét khối cá và muối. Khoảng vài năm lại phải tu sửa một lần.Trong khi đó, các bồn xi măng có thể tồn tại lâu và ít hư hao”. Ông Thẳm nói thêm: “Bây giờ mà muốn làm thùng mới bằng gỗ bằng lăng thì cũng không có gỗ tốt mà làm. Gỗ bằng lăng phải già thì mới bền, tốt được. Chứ gỗ bây giờ còn non quá, làm sao mà đóng thùng bền như 20 – 30 năm trước được”.
Như vậy, liệu khi dùng bồn xi măng thì hương vị nước mắm truyền thống có bị ảnh hưởng không? Anh Minh cho biết: “Cũng không ảnh hưởng gì mấy, chủ yếu là lý do tài chính thôi”. Ông Nguyễn Thanh Phụng, chủ nhà thùng Thuận Hưng, lại nhận xét thêm: chất lượng ngang nhau, nhưng những người đến các nhà ủ chượp dễ bị thùng chượp lôi cuốn hơn. Nó là hình ảnh.
Dừng tay đốt điếu thuốc, ông Thẳm mắt lim dim, nhớ lại chuyện xưa: “Tui làm với Con Cá Vàng từ hồi năm 1986, khi công ty còn của Nhà nước, bây giờ cổ phần hoá rồi. Hồi đó, đóng hàng loạt thùng lớn nhỏ là chuyện bình thường. Tui còn được các nhà thùng ở suốt dọc từ Huế tới Phú Quốc mời về đóng thùng nữa. Mỗi cái thùng đóng mất một năm mới xong chứ không nhanh đâu. Coi vậy chớ cực lắm. Cũng không còn mấy người biết làm đâu…”
Nhưng cùng với nhu cầu về nước mắm truyền thống đang dần co hẹp, vài năm trở lại đây, cũng chẳng còn mấy nhà thùng thuê hai “thầy trò” đi đóng thùng mới. Đó cũng là lý do rất nhiều thợ đóng thùng nước mắm từ Nam chí Bắc đã bỏ nghề, tìm hướng khác mưu sinh. Ông Thẳm cười buồn, nói: “Tới đời tui là thôi, “đốt sách tuyệt chiêu” luôn rồi, đâu có ai còn cần cái nghề này. Tui mà truyền cho con tui chắc nó cũng không sống được với nghề”. Ông Khăm cũng cho biết, ông không có ý định truyền nghề cho thế hệ tiếp theo, vì thấy tương lai quá mịt mù. Khi nói đến chuyện sau này, cả hai người thợ đều nở nụ cười hóm hỉnh pha chút lạc quan. “Tới đâu hay tới đó vậy chú ơi”, ông Thẳm châm điếu thuốc, cười nói.
bài và ảnh Anh Tú (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này