11:11 - 15/08/2024
Nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội
Thủ tướng vừa giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nguồn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương uỷ thác.
Nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Thêm nguồn vốn cho nhà ở xã hội
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc này, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Gói tín dụng mới dành cho các đối tượng vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sữa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó, 15.000 tỷ đồng lấy từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.
Như vậy, nguồn vốn của gói 30.000 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, khác với gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai lấy từ các ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, kết quả giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp. Gói này mới giải ngân được hơn 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Hiện đã có thêm 2 ngân hàng là TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Trước tỷ lệ giải ngân không hiệu quả, mới đây Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
Lãi suất bao nhiêu là phù hợp
Là phân khúc được đặc biệt chú trọng, hiện tại người mua có các lựa chọn vay mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức lãi suất cho vay mua tại Ngân hàng Chính sách Xã hội năm 2024, áp dụng từ ngày 1/8 là 6,6%/năm.
Hoặc vay mua với lãi suất 7,5% tại các ngân hàng thương mại theo Chương trình 120.000 tỷ đồng, quy định theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Tuy nhiên, việc triển khai các gói vay không hiệu quả được giới chuyên gia nhận định do vẫn còn nhiều rào cản, trong đó gói 120.000 tỷ đồng có lãi suất cao so với mặt bằng chung và thời gian cho vay quá ngắn.
Chia sẻ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra hồi đầu năm, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng từ cho biết đã có đề án gửi Ngân hàng Nhà nước đề xuất tạo ra cơ chế chung cho các ngân hàng thương mại cùng tham gia. “Chúng tôi đề xuất 1 gói khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất cố định là 4,8% trong vòng 5 năm như Ngân hàng chính sách xã hội; đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép xem xét về khung tín dụng, bù đắp chính sách lãi suất và rủi ro”.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây) là hợp lý.
Theo ông Châu, nguồn vốn mồi từ ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng. Thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước kia đã cho thấy, với 1 đồng từ ngân sách cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội nên rất hiệu quả.
Trước đó, đầu năm 2023, Bộ Xây dựng từng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (tương tự gói 30.000 tỷ đồng trước đây), các ngân hàng thương mại để cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn.
Đề xuất này từng được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên sau đó, Bộ Xây dựng đã bỏ đề xuất này, thay vào đó cùng Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Theo Diệu Hoa/DĐDN
Ngày đăng: 15/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này