11:13 - 28/05/2017
Ngang nhiên khai thác cát
Chỉ với công văn của tỉnh đồng ý chủ trương tận thu cát trắng, lấy mặt bằng làm dự án Khu liên hợp sợi – dệt – nhuộm – may Quế Sơn, Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Trung Dũng (gọi tắt là Công ty Trung Dũng) ngang nhiên khai thác cát trắng khi chưa có giấy phép.
Lấy cát trước, giấy phép sau
Theo ghi nhận, khu vực dự án 20 ha bị cày xới nham nhở, cát trắng được đào lên chất thành từng đống lớn khắp nơi.
Các hố cát sâu vài mét nhưng vẫn còn màu trắng của cát, một số hố sâu khác đã lấy cát đi nhưng chưa được hoàn thổ. Một số khu vực đã lấy hết cát trắng và được hoàn thổ để xây dựng các công trình, nhà xưởng.
Theo tài liệu báo Tuổi Trẻ, ngày 17/3/2017, ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, có công văn thống nhất chủ trương cho phép Công ty Trung Dũng vừa lập thủ tục cấp phép, vừa được khai thác tận thu cát trắng để san nền mặt bằng dự án.
Cát thu hồi chỉ được cung cấp làm nguyên liệu cho Nhà máy kính nổi Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và cho phép thu hồi cát đến ngày 30/4/2017.
Có được công văn này, thay vì Công ty Trung Dũng phải bổ sung thêm các thủ tục xác lập diện tích, trữ lượng, thiết kế cơ sở khai thác, bảo vệ môi trường, hoàn thổ, nơi bán cát, nghĩa vụ tài chính… để được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác thì công ty đã khai thác, chở cát đi bán.
Sau đó, khi chưa đến ngày 30/4 hết hạn thu hồi cát và công ty chưa hoàn thành các thủ tục để được cấp phép thì ngày 13/4, ông Huỳnh Khánh Toàn tiếp tục ký công văn theo đề nghị của Công ty Trung Dũng là gia hạn việc thu hồi cát trắng đến ngày 15/6.
Với “lá bùa” này, Công ty Trung Dũng đẩy mạnh việc khai thác để chở ra TP Đà Nẵng bán.
Theo ông Nguyễn Bi, trưởng Phòng tài nguyên – môi trường huyện Quế Sơn, việc công ty này tận thu 32.000m3 cát trắng dựa vào công văn đồng ý chủ trương của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh dự án Khu liên hợp sợi – dệt – nhuộm – may Quế Sơn.
“Lâu lâu tỉnh mới quyết một cái…”
Ông Bùi Văn Ba, trưởng phòng khoáng sản Sở TN-MT Quảng Nam, xác nhận tỉnh có chủ trương cho Công ty Trung Dũng vừa khai thác cát trắng, vừa lập hồ sơ để được cấp phép nhằm tạo thuận lợi cho dự án có mặt bằng triển khai nhanh.
Trả lời câu hỏi khai thác cát trước, cấp phép sau có đúng quy định không, ông Ba cho rằng: “Việc này không đúng, làm sao mà đúng được các quy định pháp luật, chẳng qua nó phù hợp thực tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, chứ theo quy định phải được cấp phép mới khai thác”.
Về số lượng và địa chỉ nơi bán, ông Ba cho biết hiện sở chưa nắm được, phải liên hệ với Công ty Trung Dũng chứ hồ sơ xin cấp phép họ chưa gửi tới cho sở.
Nếu doanh nghiệp không đủ cơ sở, điều kiện, năng lực để được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác thì số lượng cát trắng đã bán đi giải quyết ra sao? Ông Ba cho rằng trường hợp này chưa thấy xảy ra vì thực tế việc này cũng đơn giản là thu hồi khoáng sản và tỉnh đã có công văn thống nhất chủ trương.
“Chứ nếu phức tạp, cho anh khai thác trước như vậy rồi tới hồi làm thủ tục không được thì lúc đó ai chịu trách nhiệm. Sản lượng cát cũng nhỏ chỉ 32.000m3, lâu lâu tỉnh mới quyết một cái này chứ làm gì có trường hợp quyết như thế này đâu” – ông Ba nói.
Sai đến đâu, xử lý đến đó
Ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện tỉnh đã cho dừng việc khai thác cát tại dự án nói trên và giao cho Công an Quảng Nam và các cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra.
Ông Toàn cho rằng theo đề nghị từ dưới lên ông mới ký công văn nói trên, nhưng công văn thể hiện tỉnh mới chỉ đồng ý về chủ trương, còn muốn khai thác cát công ty phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục để được UBND tỉnh cấp giấy phép.
“Họ chưa có giấy phép khai thác mà đã khai thác, đem cát bán ra ngoài là sai, giờ các cơ quan chức năng đang kiểm tra, sai đến đâu thì phải xử lý đến đó” – ông Toàn khẳng định.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này