10:21 - 30/01/2023
Năm 2023 vẫn đau đầu với ‘chuyện xăng dầu’?
Việc biến động giá xăng trong nước phụ thuộc vào giá xăng thế giới và trực tiếp là thị trường Singapore. Các chuyên gia đánh giá, trong năm 2023 nguồn cung xăng dầu có thể sẽ giảm gây áp lực lên hệ thống.
Đầu ngày 29/1, giá dầu Brent giao dịch ở mức 79,6 USD/thùng, giảm 1,33 USD/thùng, tương đương mức giảm 1,4%; dầu WTI giao dịch mức 86,6 USD/thùng, giảm 0,8 USD/thùng (0,9%). Tuy giảm trong phiên giao dịch cuối tuần song giá dầu thế giới trong 15 ngày gần đây có xu hướng tăng cao.
Dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trên thị trường Singapore tính đến ngày 16/1, giá xăng A92 là 97,3 USD/thùng, xăng A95 là 100,2 USD/thùng, dầu diesel 116,3 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá gần nhất (xăng RON92 là 88,620 USD/thùng, xăng RON95 là 92,022 USD/thùng và 108,580 USD/thùng dầu diesel).
Có thể thấy, việc biến động giá xăng trong nước phụ thuộc vào giá xăng thế giới và trực tiếp là thị trường Singapore. Các chuyên gia đánh giá, trong năm 2023 nguồn cung xăng dầu có thể sẽ giảm.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, ở các nước thuộc nhóm G7 và một số nước áp giá trần dầu với Nga, đồng thời các nước OPEC trong tháng 11/2022 vẫn giữ nguyên quan điểm tiếp tục giảm nguồn cung xăng dầu, khiến cung xăng dầu trong năm 2023 có thể giảm đi đáng kể.
Nguồn cung xăng dầu giảm, đồng nghĩa với việc giá xăng dầu thế giới sẽ tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước cũng tăng. Để góp phần kiểm chế giá xăng dầu, ổn định kinh tế trong nước, vừa qua Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục áp dụng mức giá sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu cho năm 2023. Đây là cách mà từ tháng 7/2022 chúng ta áp dụng để hạ nhiệt các mặt hàng này trong nước.
Cụ thể, Bộ Tài chính để xuất từ 1/1/2023, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng giảm từ 4000 đồng/lít xuống mức sàn 1000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 2000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít và 300 đồng/lít; dầu hỏa giảm từ 1000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Về điều này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc áp dụng điều chỉnh thu chi, miễn giảm thuế là công việc cần phải xem xét để thay đổi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng thời điểm. Nếu trong năm 2023 giá xăng dầu tăng cao và chúng ta thấy cần thiết phải hỗ trợ thì hoàn toàn có thể giảm thuế bảo vệ môi trường, thậm chí giảm kịch khung như năm 2022, nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng như người dân.
Cùng chung nhận định, chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng đánh giá một số rủi ro về nguồn cung có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá. Khi mới đây, người đứng đầu mới của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã đình chỉ hầu hết các hợp đồng xuất khẩu dầu nhằm xem xét rủi ro vỡ nợ do bán với giá chiết khấu cao, kể từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vào năm 2019.
Kể từ ngày 17/1, hầu hết các bến vận chuyển dầu chính của Venezuela, cảng Jose, đều trống và hơn chục tàu đang ở khu vực neo đậu. Bên cạnh đó, nguồn cung từ phía Nga cũng là rủi ro lớn với thị trường trước lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm tinh chế của các nước phương Tây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng hai lệnh cấm vận cộng lại sẽ làm giảm sản lượng dầu và tổng xuất khẩu của Nga khoảng 1 triệu thùng/ngày vào cuối quý 1/2023. Nguồn tin cấp cao của Nga đã đưa ra dự báo trung bình về mức giảm hoạt động của nhà máy lọc dầu ở mức 15% trong năm nay, phù hợp với dự báo chính thức.
Để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, TS Vũ Đình Ánh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, điểm mấu chốt là phải tạo được một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Hiện nay gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng. Điều này khiến cho các đại lý bán lẻ kêu ca về câu chuyện chiết khấu bởi không có lựa chọn nào khác. Nguyên nhân do các đại lý, cửa hàng bán lẻ không thể chuyển từ doanh nghiệp đầu mối này sang doanh nghiệp đầu mối khác.
“Do đó, cơ quan quản lý phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả khâu bán buôn, đảm bảo tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi có biến động từ phía doanh nghiệp đầu mối. Bên cạnh đó, phải có một cơ chế giá phù hợp, gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí… một cách chủ động và linh hoạt thì mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành”, TS Vũ Đình Ánh đề nghị.
Theo Diễm Ngọc/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này