10:13 - 13/08/2024
Mối lo lạm phát những tháng cuối năm
Lạm phát đang dần gia tăng từ đầu năm 2024, khi tỷ lệ tăng CPI liên tục leo thang qua các tháng, tiệm cận mục tiêu của Chính phủ là 4,5%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7 tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ dưới tác động của mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới có hiệu lực vào đầu tháng và giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới do căng thẳng địa chính trị leo thang.
Trong tháng 7, nhóm thực phẩm và dịch vụ ăn uống (tăng 4,3% so với cùng kỳ) đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của chỉ số CPI, chủ yếu do nhóm lương thực tăng mạnh với mức tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng nhẹ 5,6%, do giá điện sinh hoạt tăng trong cao điểm mùa hè. Đặc biệt, nhóm giao thông tăng 4,4% khi giá xăng dầu trong nước tăng 5,9% so với cùng kỳ, theo đà tăng của giá dầu toàn cầu.
Ngoài ra, việc tăng học phí ở một số địa phương đã đẩy chỉ số nhóm giáo dục tăng 8%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,13% do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cũng góp phần vào đà tăng của CPI.
Giá xi măng và cát tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, chi phí thuê nhà tăng cao cùng với giá điện sinh hoạt tăng 8,6% so với cùng kỳ do EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân kể từ cuối năm ngoái, đã đẩy chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,5%…
Trung bình 7 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản tăng 2,73%.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong những tháng cuối năm, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu ở mức 4% là thách thức rất lớn, do có nhiều yếu tố tạo áp lực tới lạm phát như tăng lương, điều chỉnh giá dịch vụ công…
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, mặc dù lạm phát được kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu nhưng lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2023 và từ giữa năm 2022 đến nay.
Công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, nước, giá dịch vụ công, điều chỉnh tăng lương…
Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% – 4,5%, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% đến 0,39%.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính), áp lực lạm phát những tháng cuối năm có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình.
“Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2024 với mức điều chỉnh không quá lớn, CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 4,2 – 4,5% dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra hoàn toàn khả thi”, PGS, TS Nguyễn Bá Minh nói.
Phân tích về các yếu tố tác động lên lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết từ bên ngoài, những xung đột địa chính trị làm đứt gẫy chuỗi cung ứng và làm chi phí vận tải tăng.
“Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài nhiều đã tác động rất mạnh đến giá hàng hóa trong nước”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.
Mặc dù, lạm phát kinh tế Mỹ dù đã hạ nhưng vẫn chưa về lạm phát mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra. Do đó, FED và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao. Điều này làm cho giá trị USD và ngoại tệ khác vẫn ở mức cao và tạo áp lực đến tỷ giá hối đoái giữa VND và ngoại tệ khác.
“Việt Nam nhập khẩu lớn nguyên vật liệu, nên khi tỷ giá cao sẽ làm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài ngoài”, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Về yếu tố bên trong, TS Nguyễn Bích Lâm cũng chỉ ra nhiều nhóm yếu tố tác động lên lạm phát như giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế…
Đáng lưu ý, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đã khiến không chỉ người dân mà doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều tiền hơn để chi trả cho tiền điện, sẽ tác động làm tăng giá thành sản phẩm và tác động trực tiếp tới giá điện tiêu dùng của hộ gia đình, từ đó tác động lên CPI.
Theo Nguyễn Việt/DĐDN
Ngày đăng: 13/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này