11:57 - 19/09/2016
Lấn chiếm vỉa hè là thứ bệnh mãn tính
Vỉa hè bị chiếm, dưới đường kẹt xe, người đi bộ phải chen lấn với xe cộ để lưu thông, tại nhiều nơi trong thành phố. Tình trạng này thực sự hết thuốc chữa?
Tuần qua, vấn nạn kẹt không lối thoát ở ngã sáu Gò Vấp đã đẩy nỗi bức xúc của người dân đi quá giới hạn.
Người đi xe máy bức xúc một thì người đi bộ bức xúc mười, vì không biết làm sao đi lại khi vỉa hè bị chiếm kín.
Đầu năm 2016, bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng đã yêu cầu các địa phương phải lập tức rà soát, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.
Sau hơn tám tháng từ những chỉ đạo này, nơi nào chỉ đích danh thì làm tốt, còn lại hầu hết chỉ làm cho có.
Ông Nguyễn Lê Cương, ngụ đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM thắc mắc: vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán thì người dân đi vào đâu? Vậy tại sao đòi phạt người đi bộ dưới lòng đường?
Điển hình của thực trạng này là các tuyến đường Nguyễn Kiệm từ Phú Nhuận đến Gò Vấp, Nguyễn Thái Sơn…
Mấy ngày qua đường sá ở khu vực này kẹt xe liên tục, do thi công cầu vượt thép ở ngã sáu Gò Vấp, người đi bộ không thể xuống lòng đường đi được, nhưng hàng quán lấn chiếm vỉa hè vẫn quyết không nhường vỉa hè cho người đi bộ.
Hay ở hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa, chạy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè qua địa bàn các quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình, vỉa hè thành quán nhậu từ lâu.
Từ khoảng 16 giờ mỗi ngày, tiếp viên ở nhiều quán đứng tràn ra giữa đường í ới mời khách, gây mất an toàn giao thông. Đua theo quán nhậu, các xe hàng rong cũng tấp nập đến khu vực này bán đồ cho khách.
Tương tự, tại góc đường Pasteur – Điện Biên Phủ (phường 6, quận 3), thường xuyên có tình trạng ôtô đậu thành hàng dài dưới lòng đường gây cản trở giao thông.
Vỉa hè trước mặt tiền của một nhà hàng tại khu vực này vào chiều tối mỗi ngày không còn chỗ trống do bị chiếm dụng làm nơi giữ xe.
Nhiều tiệm buôn bán kê đồ trên vỉa hè, khi khách hàng đến phải đậu xe tạm dưới lòng đường để mua nên đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn ứ.
Ở khu vực quận 1, trên các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng… việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm chỗ đậu xe, kinh doanh buôn bán cũng diễn ra phổ biến.
Ở giao lộ Pasteur – Hàm Nghi, phường Bến Nghé, bãi giữ xe của trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng nằm “chình ình” trên vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ trong khi khu vực này có rất nhiều du khách người nước ngoài đi bộ.
Nghiêm trọng hơn, trên đường Lê Hồng Phong, đoạn gần vòng xoay Lý Thái Tổ (phường 10, quận 10), nhiều đoạn vỉa hè không còn một chỗ trống do bị chiếm dụng làm nơi giữ xe, buôn bán.
Một số đoạn, các cửa hàng kinh doanh còn xếp hẳn xe máy xuống lòng đường khiến các phương tiện khi lưu thông qua đều phải né ra ngoài.
Tương tự, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (kéo dài qua địa bàn các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận Gò Vấp), vỉa hè cũng bị chiếm dụng buôn bán và làm nơi gửi xe…
Thách thức đến bao giờ?
Trả lời các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách ban An toàn giao thông TPHCM, thừa nhận một trong nhữ ng nguyên nhân khiến cho tình trạng vỉa hè không lối thoát là một số quận – huyện triển khai chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Chỉ được một thời gian ra quân xử lý rồi lại đâu vào đó.
Ông Tường cho rằng, giải pháp trong thời gian tới là các cơ quan liên ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc đảm bảo trật tự lòng, lề đường.
Đối với những chủ hộ kinh doanh trực tiếp sử dụng vỉa hè, lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra.
Ngược lại, với những trường hợp cố tình vi phạm cần phải có biện pháp xử lý, chế tài nghiêm để đủ sức răn đe.
Nhận định về các giải pháp này, ông Nguyễn Lê Cương, nói thẳng: “Giải pháp lúc nào cũng hay, nhưng hay nhất là phải trị được những cán bộ biến chất đang biến vỉa hè thành “chùm khế ngọt” cho bản thân”.
Một chủ quán trên đường Trường Sa, tâm sự: “Khổ lắm anh ơi, dân chửi mình chịu chứ thực ra muốn được lấy cái vỉa hè làm quán nhậu này, em phải đóng hụi chết hàng tháng. Đó là chưa kể lâu lâu phải tốn thêm chút đỉnh khi các đoàn trên quận ra quân. Nói thiệt, không chi thì làm sao dám lấn chiếm”.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc sở Giao thông vận tải, đã từng chia sẻ trên phương tiện truyền thông: do chưa kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền từng địa phương nên dẫn đến việc chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường chưa được thực hiện hiệu quả.
Trước vấn đề này, chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành, đặc biệt là chính quyền các quận, huyện phải tiếp tục xử lý quyết liệt hơn, trong đó có sự phân định rõ ràng trách nhiệm để chịu trách nhiệm và từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể.
Có hy vọng được không?
Giang Thanh – Đằng Giang
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này