10:06 - 12/01/2023
Học tiếng Việt trên sóng nước Biển Hồ
Nhân dịp tham dự Đại hội đồng liên nghị viện Đông Nam Á – AIPA lần thứ 43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Cung Hòa Bình.
Một nội dung quan trọng được 2 nhà lãnh đạo đề cập là việc tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người gốc Việt ổn định cuộc sống và đóng góp tích cực vào sự phát triển thịnh vượng của Campuchia, trong đó có khoảng 150.000 người Việt đang cư ngụ ở khu vực Biển Hồ Tonle Sap.
1. Vài năm trở lại đây, dòng người Việt hồi hương từ Biển Hồ Tonle Sap không phải ít. Có cả những làng Việt kiều Campuchia được hình thành ven hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh. Lâu nay, nhiều người đã đề cập đến cuộc sống bấp bênh của người Việt trên Biển Hồ Tonle Sap do nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm. Thế nhưng, khi nghe câu chuyện của bà Đỗ Thị Phúc, ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh thì tôi lại bắt gặp một âu lo khác, đó là cơ hội học tiếng mẹ đẻ vô cùng khó khăn của những người gốc Việt trên xứ sở chùa Tháp.
Bà Đỗ Thị Phúc không quá già nua so với tuổi 70. Tuy nhiên, đôi mắt của bà cứ ngân ngấn nỗi buồn lúc nhắc về hoàn cảnh của con cháu mình. Bà Đỗ Thị Phúc nguyên quán ở Đồng Tháp, nhưng sinh ra và lớn lên ở Biển Hồ Tonle Sap. Cả 9 đứa con, 4 trai 5 gái của bà đều không ai thông thạo tiếng Việt. Đầu năm 2020, gia đình bà quyết định trở về Việt Nam để có thể hy vọng một tương lai tươi sáng hơn, “nhất là để đám cháu được học chữ”. Tuy nhiên, cuộc hồi hương không đơn giản, vì cả nhà đều không hộ khẩu, không căn cước công dân. Hiện tại, vẫn còn 3 người con trai là Phạm Văn Lượm, Phạm Văn Ngón và Phạm Văn Chanh vẫn cầm cự ở Campuchia. Bà Phúc tâm sự: “Thằng Ngón và thằng Chanh đã đi lên bờ làm công nhân cạo mủ cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở tỉnh Kampong Thom, chỉ tội nghiệp thằng Lượm vẫn còn ở trên thuyền”.
Tôi đã từng đến Campuchia đôi lần, nhưng vẫn không thể nào hình dung hết những lênh đênh của người Việt ở Biển Hồ Tonle Sap. Do có lịch sử cùng nhau quần cư ở hạ nguồn sông Mê Kông, nên một bộ phận người dân khu vực ĐBSCL đã di chuyển đến tạm trú và mưu sinh ở khu vực Biển Hồ Tonle Sap. Thế nhưng, trên sóng nước mênh mông của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997, những số phận người Việt tha hương cầu thực vẫn vô cùng bấp bênh. Biển Hồ Tonle Sap có chu vi vắt qua 5 tỉnh của Campuchia là Pursat, Battambang, Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Chhnang. Tôi vào Biển Hồ Tonle Sap từ hướng Siem Reap, theo sự hướng dẫn của anh Phạm Văn Lượm.
Quả đúng như lời bà Đỗ Thị Phúc, anh Phạm Văn Lượm không biết viết tên mình. Ngay cả khi giải quyết thủ tục gì đó với chính quyền sở tại, anh Lượm cũng chỉ dùng một phương pháp duy nhất là… ấn dấu tay. Anh Lượm và vợ có 3 đứa con, đứa lớn nhất 16 tuổi chỉ học đến lớp 2 theo cha đi đánh cá, đứa nhỏ hơn 10 tuổi mới vào lớp 1, còn đứa út 4 tuổi thì “mong được về Việt Nam để nó đi học như người ta”. Trường hợp của anh Lượm cũng tương tự hàng trăm hộ dân gốc Việt khác đang sinh sống trên Biển Hồ Tonle Sap thuộc địa bàn tỉnh Siem Reap. Nhìn bề ngoài, họ giống như những xóm thương hồ ở Tây Nam bộ, nhưng họ lêu bêu hơn và mặc cảm hơn vì không có cơ hội học hành. Làm sao để người Việt ở Biển Hồ Tonle Sap học tiếng Việt, thực sự là mối bận tâm của nhiều người.
2. Cũng may, trên màu sông nước bàng bạc đó có một điểm sáng là Trường tiểu học Biển Hồ. Được làm bằng gỗ trên một chiếc bè nổi, Trường tiểu học Biển Hồ được xây dựng từ năm 1997, kinh phí do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Siem Reap đứng ra vận động, diện tích khoảng 70m2 với 2 phòng học. Đến năm 2011, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã hỗ trợ tôn tạo và mở rộng ra 120m2 với 5 phòng học. Ban đầu, Trường tiểu học Biển Hồ chỉ có 1 người đứng lớp duy nhất là ông Trần Văn Tư, một nhà giáo nghỉ hưu ở Tây Ninh tình nguyện sang đây giúp bà con xóa mù chữ. Dần dần, Trường tiểu học Biển Hồ có thêm 4 giáo viên người Việt. Cuối năm 2021, thầy giáo Trần Văn Tư qua đời, thầy giáo Nguyễn Minh Luân thay thế đảm nhận vai trò hiệu trưởng.
Thầy giáo Nguyễn Minh Luân sinh năm 1976, trao cho tôi tấm danh thiếp, ghi rõ: “Đảm nhiệm nuôi dạy 126 em học sinh nghèo tại Biển Hồ Siem Reap, Vương quốc Campuchia” và có cả số tài khoản một ngân hàng tại Việt Nam. Thầy giáo Nguyễn Minh Luân vốn dạy học tại Tân Biên, Tây Ninh. 7 năm trước, khi sang Biển Hồ Tonle Sap thăm người quen và nghe lời thầy giáo Trần Văn Tư nên quyết định qua Campuchia gieo chữ Việt. Thầy giáo Nguyễn Minh Luân cưới vợ cũng là một phụ nữ Việt Nam ở Biển Hồ Tonle Sap. 2 vợ chồng thầy giáo Nguyễn Minh Luân sống ngay tại Trường tiểu học Biển Hồ để thuận tiện chăm lo cho các em học sinh.
Khi hình thành Trường tiểu học Biển Hồ, thầy giáo Trần Văn Tư đã đến từng hộ dân gốc Việt để kêu gọi: “Tất cả các gia đình Việt Nam đang sinh sống tại Biển Hồ, Vương Quốc Campuchia, các gia đình có con em từ 6 tuổi trở lên, hãy đưa con em đến trường. Các em sẽ được học và được ăn tại trường miễn phí, giúp cho các em học hành để trở thành người tốt, giúp ích cho xã hội sau này, đừng để các em đi ăn xin trôi dạt bên ngoài”. Tinh thần ấy, bây giờ tiếp tục được thầy giáo Nguyễn Minh Luân tiếp nối. Mỗi tuần, Trường tiểu học Biển Hồ nhận học sinh từ thứ hai đến thứ bảy, các em được ăn sáng và ăn trưa. Ngoài học chương trình tiếng Việt, Sở Giáo dục tỉnh Siem Reap cũng cử một giáo viên đến dạy thêm tiếng Campuchia cho các em. Thế nhưng, số lượng học sinh không tăng lên, mà hao hụt dần theo từng năm.
Có thời điểm, Trường tiểu học Biển Hồ có 300 học sinh. Bây giờ, chỉ còn lại 126 học sinh. Lý do được thầy giáo Nguyễn Minh Luân giải thích: “Thu nhập từ nghề đánh bắt cá càng ngày càng khó khăn, nên nhiều phụ huynh thấy con biết đọc biết viết rồi lập tức cho nghỉ học để gia đình có thêm lao động phụ giúp kiếm sống”. Rất ít người Việt ở Biển Hồ cho con học hết lớp 5, và càng hiếm người Việt ở Biển Hồ cho con lên bờ để học lên lớp 6.
Hàng tháng, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh Siêm Reap trả lương cho mỗi giáo viên khoảng 200USD. Theo thầy giáo Nguyễn Minh Luân, các giáo viên đều chấp nhận khoản tiền ấy mà tằn tiện trong sinh hoạt, còn thách thức thường xuyên là nguồn tài chính để mua sắm sách vở và thức ăn cho học sinh. Sách vở thì xin từ Việt Nam đưa qua, còn thức ăn đành trông vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Hầu như, đoàn du lịch Việt Nam nào khi đến thăm Biển Hồ Tonle Sap đều ghé qua Trường tiểu học Biển Hồ để động viên và quyên góp. Ân tình người Việt nuôi dưỡng ân tình tiếng Việt nơi đất khách quê người.
Trên mênh mông Biển Hồ Tonle Sap, việc dạy và học tiếng Việt vẫn sóng gió gian nan. Một lần chứng kiến giờ tan học của Trường tiểu học Biển Hồ vào buổi chiều, tôi lặng lẽ dõi theo những đứa trẻ Việt tự chèo đò về nhà mà thấy lòng ngổn ngang. Tôi nhìn thầy giáo Nguyễn Minh Luân vẫy tay chào từng em học sinh, mà day dứt nhớ đôi mắt buồn của bà Đỗ Thị Phúc, của anh Phạm Văn Lượm và những người Việt từng gieo neo thất học, chỉ mơ ước viết được tên mình bằng tiếng Việt.
Theo Tuy Hòa/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này