10:02 - 14/09/2023
Hiểm họa chực chờ ở các chung cư mini
Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán chung cư mini” trên thanh công cụ tìm kiếm đã cho ra hàng ngàn kết quả cùng thông tin liên quan đến từng “căn hộ” chung cư mini trên địa bàn Hà Nội.
Mỗi căn hộ trong chung cư mini rao bán có diện tích từ 30-50 m2 với giá bán trung bình khoảng 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/căn.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết các chung cư mini này được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 đến 10 tầng, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư với lý do ban đầu là nhà ở, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ dẫn đến mật độ cư dân đông, các điều kiện về PCCC không bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Từ năm 2018, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thống kê chính xác số lượng chung cư mini trên địa bàn quản lý, trong đó có bao nhiêu trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để sở tổng hợp báo cáo thành phố. Tuy nhiên, đến nay, các quận, huyện, thị xã và cả TP Hà Nội đều chưa công khai con số chung cư mini trên địa bàn.
Tại TP.HCM cũng xuất hiện nhiều khu trọ dạng chung cư mini, với giá thuê từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Chị Như Ngọc thuê trọ tại chung cư mini trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cho biết khu của chị đang ở tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC. Khu chung cư mini chị đang ở có 5 tầng lầu với 1 thang máy và 1 thang bộ. Mỗi tầng có khoảng 20 phòng. “Cả 2 đầu của chung cư đều bị bịt kín, rất ngộp. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì cư dân có khả năng sẽ tử vong do ngạt khí. Cầu thang bộ cũng rất nhỏ, không bảo đảm để lượng lớn người thoát ra” – chị Ngọc nói.
Tương tự, chị Minh Diệu cũng thừa nhận căn hộ dịch vụ mà mình đang thuê trên đường Bàu Bàng (quận Tân Bình) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC. “Khu của tôi ở có khoảng 6 tầng với khoảng 200 hộ. Tại đây có 2 lối đi bằng thang bộ, còn lại đều bị bịt kín. Một tầng nhưng chia làm nhiều ngõ ngách, những phòng càng ở sâu trong ngách thì càng nguy hiểm” – chị Diệu cho biết. “Nếu căn hộ dịch vụ của tôi xảy ra hỏa hoạn thì chỉ một vài phòng phía mặt tiền có thể thoát ra ngoài từ ban công. Còn lại phải di chuyển bằng thang bộ, nhưng cũng rất nguy hiểm vì nguy cơ ngạt khí rất cao” – chị Diệu kể.
Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản, loại hình chung cư mini này cực “hot” tại các đô thị lớn, vì diện tích vừa phải, giá bán phù hợp túi tiền của các gia đình trẻ, người lao động và có vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, làm việc, cho con học… nhưng lại là một áp lực của các đô thị. Dù nhiều bất cập nhưng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại đề xuất “luật hóa” loại hình này dưới cái tên là “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”.
Không nên “luật hóa” chung cư mini
ThS-KTS Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), cho biết nguy cơ cháy, nổ tại chung cư mini, với hậu quả lớn đã được cảnh báo.
Thứ nhất, nhiều chung cư mini có quy mô khối tích và cư dân sinh sống cố định rất lớn, song lại được xây dựng xen cấy trong các khu dân cư cũ, dẫn đến khả năng tiếp cận, ứng cứu của các cơ quan chức năng khi có sự cố rất khó khăn. Các chung cư mini cũng thường được tận dụng tối đa đất xây dựng, không có khoảng lùi xung quanh để phục vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Thứ hai, thiết kế kiến trúc nhiều chung cư mini tồn tại nhiều bất cập. Việc người dân phải đập cửa ban công, nhảy từ tầng cao xuống mái nhà bên cạnh cho thấy giải pháp thoát hiểm cho cư dân không có; thiết kế công trình thiếu hẳn hệ thống thoát hiểm (thang bộ và thang máy có hệ thống ngăn khói và chống cháy) như quy định với các khu chung cư thông thường. Thứ ba, sau nhiều năm sử dụng, nhà chung cư mini thường không được bảo dưỡng, dẫn đến xuống cấp, đặc biệt là hệ thống điện, nên nguy cơ cao xảy ra chập cháy.
Cũng chỉ ra nhiều bất cập của loại hình này, ông Nguyễn Văn Đỉnh kiến nghị không “luật hóa” chung cư mini, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ loại hình này, đặc biệt là không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị. “Nếu hộ gia đình, cá nhân nào có quyền sử dụng đất ở, muốn xây chung cư thì phải thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã và lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản” – ông Đỉnh kiến nghị.
Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), trước hết, cần nhận thức sự xuất hiện và phát triển của chung cư mini thời gian qua đã làm đa dạng thị trường bất động sản. Nhưng nhiều bất cập cũng đã được nhận diện, chẳng hạn chưa xác định rõ các khu vực được cấp phép xây dựng và sự can thiệp bảo đảm vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện PCCC của các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tiếp đó, thiếu sự giám sát chặt chẽ sau cấp phép xây dựng của chính quyền địa phương dẫn đến sai phép, thay đổi thiết kế. Trong khi đó, việc xây dựng hoàn toàn mang tính cá nhân nên chất lượng công trình khó có thể kiểm soát. Hầu hết chung cư mini không có hoặc trang bị sơ sài về PCCC, trong khi đó việc bảo đảm các điều kiện PCCC lại cần phải đặc biệt coi trọng.
Có thể bạn quan tâm
‘Sốt đất’ ảo vì dự án sân bay
Hàng ngàn hécta diện tích chứa nước tại TPHCM ‘đã biến mất’
Cảnh giác trang web lừa tặng vé máy bay Vietnam Airlines miễn phí
Dựng Vườn Sài Gòn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
TP.HCM trình phương án đưa 400 bác sĩ, điều dưỡng về Trạm y tế phường, xã
Tags:chung cư mini
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này