11:08 - 28/02/2023
Hai bộ giải trình về xăng dầu
Hôm nay, 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính là các cơ quan giải trình tại phiên này.
Quy định còn nhiều bất cập
Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho biết ông có nhận được giấy mời của Ủy ban Kinh tế về dự phiên giải trình này. Theo ông Tây, thị trường xăng dầu đang bộc lộ nhiều điểm bất ổn, trong đó doanh nghiệp (DN) bán lẻ bị chèn ép trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Giám đốc DN này cho rằng do DN bán lẻ ở cuối chuỗi cung ứng nên không có quyền đòi hỏi chiết khấu, đặc biệt trong thời gian dài bị ép chiết khấu 0 đồng, dẫn đến thua lỗ. Ông Tây cho biết sẽ trình bày hết những vấn đề này tại phiên giải trình để các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Ông Giang Chấn Tây kỳ vọng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công Thương đang xây dựng sẽ khắc phục được những bất cập nói trên. Theo ông Tây, cơ quan soạn thảo trong quá trình sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, bảo đảm không có sự phân biệt đối xử giữa các DN.
Những khó khăn của DN bán lẻ cũng được ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Hà Giang, nhấn mạnh khi đưa ra con số với 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ước tính thua lỗ lúc cao điểm nhất khoảng 900 tỷ đồng/tháng.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Phương Nam (tỉnh Lâm Đồng) cũng bày tỏ băn khoăn về quy định định mức chi phí trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, trong suốt thời gian dài vừa qua, DN bán lẻ không được hưởng chiết khấu dẫn đến hoạt động khó khăn.
“Để bảo đảm chuỗi cung ứng xăng dầu xuyên suốt, không bị xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung như thời gian vừa qua, khi sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc có cần thiết phân chia khoản định mức này cho 3 khâu gồm DN đầu mối, thương nhân phân phối và DN bán lẻ theo tỷ lệ % nhất định, rõ ràng cho mỗi khâu hay không?” – đại diện Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Phương Nam đặt vấn đề.
Chiết khấu tối thiểu là cần thiết!
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng việc quy định mức chiết khấu tối thiểu cho DN bán lẻ xăng dầu là cần thiết, để bảo đảm hoạt động cho DN, tạo sự ổn định trong cung ứng xăng dầu và bảo đảm an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, việc quy định chiết khấu cũng tạo thuận lợi trong công tác quản lý, khi đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ thị trường minh bạch, hạn chế tình trạng găm hàng.
Trong khi đó, góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết vấn đề nóng nhất thời gian qua là kiến nghị quy định mức chiết khấu tối thiểu. Các đơn vị bán lẻ kiến nghị có quy định chiết khấu tối thiểu 5%-6% trong giá bán, để giúp đơn vị bán lẻ ổn định tài chính, kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng không nên quy định mức chiết khấu tối thiểu nhằm bảo đảm quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt, cũng để hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh của DN.
Chia sẻ với phóng viên trước thềm phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng, kiến nghị cơ quan nhà nước cần xem xét các quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu hiện hành. Bởi theo bà Sinh, DN bán lẻ không có chiết khấu, kinh doanh thua lỗ triền miên nhưng vẫn gồng mình để nhập hàng, mở cửa bán hàng, nếu không sẽ bị phạt.
“Nếu DN không đủ nguồn lực để nhập hàng hoặc vì nguồn cung khan hiếm mà không nhập được hàng thì việc cơ quan quản lý xử phạt các DN bán lẻ có thỏa đáng hay không?” – bà Sinh nói và kiến nghị cần sửa đổi các quy định cho phù hợp thực tiễn.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này