09:03 - 31/03/2016
Chuyện chợ ở TPHCM: Thiếu chấp pháp, cá bé rỉa cá lớn
Lấn chiếm lòng lề đường, bất chấp luật pháp, diễn ra công nhiên ở hầu hết các chợ tại TPHCM trước sự bất lực của tiểu thương trong chợ.
Nhiều ngôi chợ nổi tiếng lâu đời, lẫn những ngôi chợ mới được đầu tư hàng chục tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ phá sản khi mà buôn bán tự phát giựt mất phần của tiểu thương nhà lồng.
Thu thuế để làm gì?
Tại chợ Tân Hương, các quầy hàng tự phát bên ngoài chợ dọc các tuyến đường ra vào ngôi chợ này như đường Tân Hương, Nguyễn Suý đang áp đảo.
Khách ghé các quầy hàng bên ngoài chợ nườm nượp. Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm không còn lối thoát. Người đi đường chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán, cam chịu.
Theo ông Hoàng Văn Thành, ngụ đầu ngã ba Gò Dầu – Nguyễn Suý, trước đây những người dân như ông thấy tình trạng lấn hết lòng đường, vỉa hè như vậy, đã bức xúc phản ánh. Phản ánh riết cũng chẳng thấy cải thiện gì. Nói hoài dễ bị tai bay vạ gió nên thôi.
Dọc chợ Bà Chiểu, ít nhất hàng trăm người tự do lấy hết vỉa hè, lòng đường để bày hàng hoá. Đáng nói, ngôi chợ này chỉ nằm cách UBND quận Bình Thạnh khoảng vài chục bước chân, nhưng tình trạng này cứ công nhiên diễn ra.
“Thỉnh thoảng bà con bức xúc, rồi thành phố có chiến dịch yêu cầu địa phương ra quân dẹp lòng đường, vỉa hè để kỷ niệm ngày này, ngày nọ, mới thấy lực lượng chức năng ra tay dọn dẹp. Tuy nhiên, sáng dẹp chiều y như cũ. Lực lượng chức năng thấy nhưng cũng kệ… nó”, bà Chung, một người dân buôn bán trong chợ Bà Chiểu, kể.
Tương tự, ở các tuyến đường xung quanh chợ Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, cứ tầm 8 giờ sáng các ngày trong tuần, đố ai không chen lấn để có thể vượt qua con đường dài tầm 500 mét này mà không vã mồ hôi.
“Với tôi, nỗi ám ảnh lớn nhất hiện nay là sáng cuối tuần, lấy xe hơi chở mấy đứa nhỏ đi chơi. De xe ra khỏi nhà đã là cực hình, vì hàng quán lấn chiếm gần hết cửa nhà. Chạy từ nhà ra tới đầu ngã tư Lê Văn Sỹ – Huỳnh Văn Bánh, chưa đầy 300 mét nhưng chắc chắn nghe ít nhất vài câu chửi bới của tiểu thương kiểu: Ngu, đường này mà chạy xe hơi. Thiệt hết biết”, anh Hùng, nhà bên hông ngôi chợ, than thở.
Theo anh Hùng, anh cũng không muốn làm khó những người mua bán chồm hổm xung quanh ngôi chợ, nhưng hình như mình càng thông cảm, họ càng coi thường và không hiểu tại sao các cơ quan chức năng lại thấy việc lấy hết lòng đường mua bán là chuyện bình thường.
Lấn chiếm lòng lề đường, bất chấp luật pháp, diễn ra công nhiên ở hầu hết các chợ tại TPHCM trước sự bất lực của tiểu thương trong chợ, bởi sự xử lý theo luật của các cơ quan chức năng quá hời hợt nếu không muốn nói là buông lơi, mặc kệ.
Xuôi tay cho cá bé rỉa
Bây giờ, bên trong nhà lồng chợ Bà Chiểu – ngôi chợ vốn nổi tiếng từ nhiều thập kỷ qua, hàng hoá lèo tèo, sạp thì xuống cấp. Các tiểu thương cho rằng, cái chợ tự phát bên ngoài đã giết họ từ gần năm năm qua.
“Buôn bán trong chợ tốn kém đủ thứ tiền. Nào thuế, nào tiền thuê sạp, nào tiền rác… Trong khi bên ngoài họ đâu có tốn tiền gì nên giá cả sao mình cạnh tranh lại. Không thua mới lạ”, chị Thanh, một tiểu thương trong chợ Bà Chiểu, chán ngán.
Chuyện khách hàng chọn mua bên ngoài, theo chị Thanh, ngoài giá cả còn đỡ tốn tiền gửi xe, đỡ chen lấn vào nhà lồng. Nếu là khách, chị cũng đâu có dại gì vô nhà lồng chợ mua món hàng mà bên ngoài, sát ngay chợ bày bán đầy.
“Giờ cầm chừng vài tháng nữa xem sao, nếu không ổn chắc dẹp sạp. Mà mấy ông ban quản lý chợ cũng kỳ, tiểu thương kiến nghị hoài nhưng hình như mấy ổng cũng quá ngán cảnh đi dẹp đuổi rồi hay sao đó…”, chị Thanh ức đoán.
Không còn có thể cầm cự để đợi cho qua ngày được nữa, giờ tiểu thương chợ Sơn Kỳ, quận Tân Phú, gần như đồng loạt bỏ sạp chạy ra các tuyến đường xung quanh ngôi chợ, hoặc những tuyến đường dẫn vào các khu dân cư ở khu công nghiệp Tân Bình để buôn bán kiếm cái ăn.
“Ngồi trong chợ cả ngày nhiều khi bán chỉ được vài ba con cá mà lại tốn đủ các loại tiền, vậy thà chấp nhận kiếp buôn bán chồm hổm nhưng bán được nhiều hơn là lựa chọn sống còn ai cũng phải chấp nhận”, chị Hoà, vốn trước đây bán trong chợ Sơn Kỳ đã quyết “hạ mình” ra chợ chồm hổm để kiếm cơm nuôi gia đình.
“Luật “cá lớn nuốt cá bé” xem ra đã sai hoàn toàn với hoàn cảnh của các tiểu thương buôn bán trong nhà lồng của các ngôi chợ ở TPHCM.
“Giờ chúng tôi đang bị các “con cá bé” ngoài chợ rỉa thịt từng ngày. Bị rỉa, bị đau nhưng kêu gọi sự làm đúng luật của các cơ quan chức năng xem ra quá khó, dù mình luôn đóng đầy đủ các khoản mà họ yêu cầu”, chị Thanh bức xúc và ta thán thêm: “Làm ăn kiểu này thì đừng có mơ tới văn minh hay hiện đại!”
Đằng Giang – Hoài Thanh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này