15:18 - 24/05/2017
Bỏ biên chế: cần áp dụng từ giáo viên đến hiệu trưởng
Trong buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, cho biết sắp tới bộ sẽ triển khai thí điểm bỏ cơ chế công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào – có ra”.
Giảm tiêu cực trong ngành giáo dục
Nếu chính sách này được triển khai, việc tuyển dụng và quản lý nhân lực trong ngành giáo dục sẽ được vận hành theo quy luật của thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc, giáo viên – người lao động sẽ phải lo phấn đấu để tự bồi dưỡng, hoàn thiện năng lực để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng – nhà trường.
Ủng hộ chính sách này, bà Trần Thúy Hằng, sáng lập viên Stemhouse Education, nguyên giáo viên toán trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM), cho rằng việc bỏ biên chế giáo viên sẽ tạo động lực cho những giáo viên đang công tác phải thay đổi cách làm việc “dạy cho xong, đến tháng lãnh lương”. “Còn duy trì tình trạng hiện nay, năng lực giáo viên dễ bị cào bằng, người dạy dễ bị trì trệ do có suy nghĩ vào biên chế xem như an toàn”, bà Hằng nói.
Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM), nhận định chất lượng giáo dục có đạt hiệu quả hay không, ngoài các yếu tố về đội ngũ quản lý, tầm nhìn của lãnh đạo, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, đổi mới thi cử,… thì đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định. Với cách đánh giá, xếp loại thi đua theo kiểu “cào bằng” đang xảy ra ở nhiều trường hiện nay, hầu hết giáo viên đều là “lao động tiên tiến”, “hoàn thành nhiệm vụ”, dẫn đến sự trì trệ, triệt tiêu động lực phấn đấu.
“Nhiều người làm công tác quản lý, giáo viên thuộc diện biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, khi đã có được tấm bằng đại học hoặc cao đẳng sư phạm, lại có được suất biên chế là đã an phận và “rung đùi hưởng lương”. Họ không còn nhiệt huyết như những ngày đầu, thiếu tinh thần phấn đấu, ít trau dồi thêm chuyên môn, yên tâm đứng lớp cho đến ngày về hưu. Chính vì vậy, hình thức hợp đồng thay cho biên chế trong tuyển dụng giáo viên là hướng đi đúng đắn. Đội ngũ quản lý, giáo viên, ai có trình độ, năng lực, dám tạo ra các bước đột phá, có tầm nhìn và chiến lược phát triển tốt cho nhà trường thì làm, còn không thì hãy bước ra và dành cơ hội cho người khác”, ông Sơn chia sẻ.
Không chỉ kích thích động lực làm việc của người dạy, chính sách này được cho là sẽ góp phần hạn chế tiêu cực trong ngành giáo dục. Một số giáo viên cho biết, để có một suất biên chế, nhiều người đã phải “chạy” với số tiền lớn.
“Ở TPHCM, tình trạng này hiếm nhưng ở nhiều tỉnh thành, ngoài việc phải có hộ khẩu tại địa phương, giáo viên tốt nghiệp bằng khá, có năng lực, kinh nghiệm cũng phải chi cả trăm triệu đồng, cộng thêm sự giúp đỡ từ nhiều mối quan hệ cá nhân, may ra xin được một suất biên chế”, một giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh ở thành phố Quảng Ngãi kể.
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, từ trước đến nay cán bộ quản lý và giáo viên đã quen với hình thức biên chế trong giáo dục. Vì thế, mô hình giáo dục chuyển từ biên chế sang hợp đồng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất vẫn là sự đồng thuận từ phía giáo viên. “Cần phải làm tốt công tác tư tưởng, nếu không sẽ gây tâm lý lo lắng cho đội ngũ giáo viên. Phải có lộ trình thực hiện với những quy định và văn bản luật liên quan đến vấn đề hợp đồng trong giảng dạy; phải lấy ý kiến từ phía nhà giáo, phụ huynh và những nhà chuyên môn để quá trình chuyển đổi được sự nhất trí cao”, ông Sơn cho biết.
“Việc xóa bỏ biên chế, thay bằng hình thức hợp đồng là phù hợp với quy luật tất yếu của xã hội nhưng cần cân nhắc để khắc phục những tồn tại, yếu kém trước khi thực hiện. Nếu không có những cải thiện về chế độ, chính sách, khen thưởng cho giáo viên thì việc xoá bỏ biên chế thay bằng hình thức hợp đồng có thể khiến cho đời sống phần đông giáo viên vốn đã vất vả càng trở nên bấp bênh và eo hẹp hơn. Một khi người giáo viên vẫn còn lo toan với cuộc sống mưu sinh thì việc nâng cao chất lượng giáo dục vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải”, ông Sơn nói thêm.
Theo ông Sơn, trước mắt cần thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, những giáo viên mới tuyển dụng sẽ thực hiện hợp đồng, có chế độ đãi ngộ về lương và các khoản thu nhập để thu hút người tài và những giáo viên có trình độ chuyên môn cao phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Khi có những cải cách về tiền lương, mức thu nhập tương xứng với công việc, sự cống hiến của giáo viên được nhìn nhận một cách chính xác, công bằng… chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn các sinh viên dự thi vào ngành sư phạm, từ đó có nguồn lực bổ sung cho đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Đồng tình với quan điểm trên, theo bà Hằng, chính sách biên chế lâu nay là một trong những sức hút của ngành sư phạm. Giáo viên được vào biên chế xem như đã nằm trong vùng an toàn. Để thu hút lao động, ngoài các chính sách đãi ngộ về học phí ở các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT cần thay đổi cách đánh giá, kiểm tra năng lực giáo viên. Cách đánh giá năng lực giáo viên hiện nay có quá nhiều bất cập, cứng nhắc và không chính xác; để khách quan, cần phải lấy ý kiến từ tổ trưởng chuyên môn tới ý kiến học sinh. Đồng thời, khi giáo viên có những sáng kiến giảng dạy, có thành tích tốt phải được khen thưởng xứng đáng.
Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 của các sở GD&ĐT tổ chức vào ngày 14/1, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên các trường công lập từ tiểu học đến THPT.
Tình trạng thừa giáo viên ở hầu hết cấp học được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm trong nhiều năm qua không xin được việc làm.
Bỏ biên chế luôn với hiệu trưởng
Tuy đồng ý với chính sách của Bộ GD&ĐT nhưng nhiều giáo viên cũng đặt vấn đề về cách kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng, khi hiệu trưởng được giao quyền tuyển dụng và quản lý nhân sự bằng cơ chế hợp đồng.
“Hiệu trưởng có sự hậu thuẫn từ bộ máy quản lý phòng, sở GD&ĐT địa phương, có thể sa thải giáo viên bất cứ lúc nào, nhất là trong bối cảnh thừa giáo viên như hiện nay. Không còn biên chế, số phận của giáo viên phụ thuộc nhiều vào sự định đoạt của những người có quyền ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng, trong khi cơ chế xin – cho vẫn còn tồn tại, không ai dám chắc sẽ không có tiêu cực xảy ra”, một giáo viên bậc tiểu học ở TPHCM băn khoăn.
Bàn về vấn đề này, bà Hằng nêu ý kiến, để kiểm soát quyền của hiệu trưởng, cần có một ban thanh tra giáo dục độc lập giám sát hiệu trưởng từng trường, thông qua ý kiến của giáo viên, học sinh. Trong lúc đó, ông Sơn cho rằng, để chính sách phát huy hiệu quả thì việc chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng phải áp dụng cho cả bộ máy, từ lãnh đạo, người làm công tác quản lý chứ không chỉ áp dụng với mỗi giáo viên đứng lớp.
Tuy nhiên, một giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, những lo ngại trên có thể xảy ra ở bất kỳ tổ chức nào có người lãnh đạo không công tâm. Nếu mối quan hệ giữa giáo viên-nhà trường được duy trì theo hướng người lao động-nhà tuyển dụng, thì giáo viên có thể nghỉ việc, tìm trường khác dạy, nếu không hài lòng với cách làm việc của hiệu trưởng.
“Bỏ biên chế đồng nghĩa với việc giáo viên phải tự chủ hơn, phải ý thức được năng lực, quyền lợi của mình để tìm được công việc, mức lương và môi trường làm việc tương xứng”, giáo viên này nêu ý kiến.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này