10:36 - 29/08/2022
Bát nháo thị trường xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá
Trước kỳ điều chỉnh giá được dự báo tăng mạnh, thị trường xăng dầu trong nước lại xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, cây xăng báo thiếu hàng, bán cầm chừng hoặc hết hàng.
Bộ nói nguồn cung thoải mái, chủ cây xăng than không có dầu bán
Đến chiều hôm qua (28/8), một số chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên cả 3 miền cho biết chiết khấu các mặt hàng xăng dầu vẫn 0 đồng và âm. Đặc biệt, dầu diesel thì không có hàng để bán trên diện rộng, nhiều đầu mối hứa với cửa hàng sang tuần mới có hàng về. Trên các diễn đàn xăng dầu, bà Ng.Thanh, chủ cửa hàng xăng dầu tại phía bắc nói ngắn gọn: “Chiết khấu vẫn âm, dầu không có hàng”. Chủ cửa hàng xăng dầu tên D.Sơn (Phú Thọ) thông báo chiết khấu các mặt hàng xăng và dầu tại kho Hải Linh về 0 đồng, dầu báo hết hàng. Bà T.An (Hải Phòng) báo dầu âm 1.250 đồng/lít, chiết khấu tại kho Nghi Thiết của Công ty T.M.Đ tiếp tục 0 đồng với xăng và dầu. Bà Thảo Trần (Cà Mau) thông tin: “Hiện tại, cả xăng và dầu đều không có để lấy hàng. Công ty báo tuần sau hàng mới về”.
Đáng lưu ý, một số thành viên trưng bảng tổng hợp mức chiết khấu của các công ty như PVOil miền Trung, Petrolimex Đà Nẵng, Mipec, Xăng dầu Hòa Khánh, Anh Phát Petro, Hải Hà, Nam Phúc… với xăng RON95 từ 100 – 500 đồng/lít, xăng E5 RON92 từ 0 – 350 đồng/lít, dầu diesel từ 0 – 400 đồng/lít. Thế nhưng, khi được hỏi có hàng để lấy không, đa số lắc đầu không có. Thông tin đến báo Thanh Niên, một số cửa hàng cung cấp các chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý báo với xăng, dầu của PVOil, Petrolimex Miền Đông và hàng tại kho cảng Cái Mép đều chiết khấu 0 đồng, số lượng lấy giới hạn. Chủ một cây xăng ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) báo dầu chiết khấu âm 800 đồng/lít, không có hàng. Ông V.H.Tâm (Phú Yên) báo trừ hết cước vận chuyển, chỉ còn lời 10 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang gánh 80% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước và bảo đảm nguồn cung hoạt động đủ. Bên cạnh đó, nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp cũng có mức dự trữ thoải mái, vượt nhu cầu tiêu dùng. Hiện tại, giá xăng nhập khẩu đang cao hơn giá bán trong nước khoảng 400 – 600 đồng/lít, dầu diesel đắt hơn đến 2.500 đồng/lít. Các chuyên gia cho rằng, phản ứng của thị trường là do nhà phân phối, đầu mối sợ lỗ, đặc biệt giá dầu trong nước và thế giới đang chênh nhau quá lớn, hàng bán ra lúc này, chờ đến khi giá mới điều chỉnh tăng mạnh, mức lỗ sẽ cao hơn. Tính toán thì ngày 1.9 (thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu mới theo quy định – NV) do rơi vào ngày nghỉ của cả nước, dự kiến cơ quan điều hành có thể dời sang ngày 5/9. Như vậy, những căng thẳng, bát nháo của thị trường này có thể càng kéo dài thêm.
Cần xây dựng một thị trường minh bạch
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), nhắc lại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sau tết để kéo dài đến 20 ngày thay vì 10 ngày, do cơ quan quản lý… nghỉ tết, khiến thị trường hỗn loạn, nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển nghỉ bán, hết xăng mấy ngày liền. Lần này chưa đến nỗi hỗn loạn như lần trước, nhưng đâu đó đã xuất hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có nguồn dầu để bán. Hai nhà máy lọc hóa dầu gánh hết 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước, nay đi đâu cũng nghe cửa hàng báo là đầu tuần mới có dầu từ kho về. Ngoài ra, cũng trong bối cảnh giá dầu nhập khẩu tăng, thông tin kỳ điều chỉnh giá lại được dời lui 5 ngày, sau kỳ nghỉ lễ 2/9 mới điều chỉnh, thực tế chưa biết đúng không, nhưng nó đang đẩy tình trạng khan hàng cao hơn, thị trường khó chịu hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, đến nay, qua kiểm tra chỉ phát hiện được 4 cửa hàng xăng dầu có hiện tượng bán nhỏ giọt. Vậy những cửa hàng kinh doanh báo thông tin lên báo chí, lên các diễn đàn về việc không có dầu để bán tại Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Phú Thọ, Hưng Yên… đã được cơ quan quản lý thị trường tìm hiểu chưa? Chính cơ quan quản lý tại một tỉnh miền Tây Nam bộ cũng xác nhận nguồn cung từ các thương nhân đầu mối nhỏ giọt gây khó khăn trong quá trình hoạt động, nhiều cây xăng không mua được hàng trong thời gian này. Song song đó là tình trạng bị “bóp” chiết khấu tạo áp lực cho chủ đại lý, khiến họ muốn xin ngưng kinh doanh vài hôm.
“Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, là an ninh năng lượng quốc gia, có những hiện tượng như vậy xảy ra, cơ quan quản lý dự báo chưa chuẩn xác đã đành nhưng phản ứng với thị trường cũng chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ai cũng biết nguồn cung không thiếu, Bộ nói không thiếu, dữ liệu chúng ta xem cũng không thiếu, vậy tại sao các tổng đại lý không có hàng về kịp mấy ngày liền cho đại lý bán lẻ? Đã đến lúc ngành xăng dầu nên được quản lý minh bạch và hướng đến thị trường thế giới nhiều hơn”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, cũng cho rằng thực ra việc điều hành cung – cầu mặt hàng xăng dầu tuy tưởng là rõ ràng, nhưng thực tế rất khó tìm hiểu nó một cách chính xác. Trước mỗi kỳ điều hành giá được dự báo tăng, đâu đó xuất hiện tình trạng “ém hàng”, chờ sau khi điều chỉnh mới tung ra. Kỳ trước các đầu mối báo hết hàng, nhập hàng về không kịp…, thế nhưng sau khi điều chỉnh tăng giá lúc 15 giờ chiều ngày 11/2, các biển báo “hết hàng” tại một số đại lý nhỏ cũng biến mất, thị trường trở lại nhịp bình thường. Ông Việt nói: “Chủ trương của chúng tôi xưa nay vẫn theo đuổi quan điểm là xăng dầu cần hoạt động theo thị trường tự do, tránh những can thiệp quá mức làm méo mó các mối quan hệ. Đáng lưu ý, chính sự can thiệp tưởng chừng tốt cho người tiêu dùng, song đôi khi vô tình tạo cơ hội cho một số bộ phận trục lợi chính sách. Những bất cập đó không phải chúng ta không nhìn ra mà là một vấn đề lớn trong bức tranh tổng thể, đó là khát vọng một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, nhưng lấn cấn hoặc khó bỏ được sự can thiệp của nhà nước”.
“Vậy nên, để tránh sự méo mó không cần thiết của thị trường, tránh tối đa hành vi trục lợi, không có cách nào khác là chúng ta phải xây dựng một thị trường xăng dầu công khai, minh bạch. Các thông tin kinh doanh của các đầu mối xăng dầu cần được minh bạch. Cần mở rộng cạnh tranh bình đẳng, công bằng và quyền tiếp cận nguồn hàng nhập khẩu cho mọi đại lý. Hiện tại đang có quy định là doanh nghiệp bán lẻ chỉ được phép lấy hàng từ 1 đầu mối mà mình ký kết, không được mua hàng từ nhiều đầu mối khác, nên khi doanh nghiệp này báo hết hàng, đại lý không thể lấy hàng từ nguồn khác được. Thế nên thị trường mới lộn xộn”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này