21:27 - 11/05/2017
Cấm cửa báo chí dự họp về Sơn Trà
Chiều 11/5, cuộc họp giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng giải quyết các kiến nghị của hiệp hội về quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng… các phóng viên đến tham dự đã bị ‘đuổi’ ra ngoài.
Đây là cuộc họp do ông Hà Văn Siêu phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chủ trì, hơn 30 phóng viên các báo đài tại Đà Nẵng đến nơi diễn ra cuộc họp này đã bị đuổi ra ngoài, ông Huỳnh Tấn Vinh – chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã liên tục đề nghị với cán bộ tại đây cho PV vào dự họp nhưng bị từ chối.
Đến 17h30, cuộc họp kết thúc nhưng các phóng viên các báo không gặp được ông Hà Văn Siêu.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, sau khi nêu các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch liên quan đến quy hoạch Sơn Trà, ông Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch đã quy hoạch bán đảo Sơn Trà đúng quy trình nên không điều chỉnh quy hoạch.
Kết thúc cuộc họp, tất cả thành viên của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng dự buổi làm việc đều không ký vào biên bản làm việc vì không có điểm chung.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết thêm, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề nghị nên mời thêm các nhà khoa học, đại diện các hội, hiệp hội và các bên liên quan cùng tham dự cuộc hợp này.
Đề nghị Tổng cục Du lịch sớm tổ chức cuộc họp với thành phần tham dự nói trên để tổng hợp ý kiến, cũng như lắng nghe nguyện vọng của những người yêu và quan tâm đến Sơn Trà, nhưng không có ai được mời.
Tại hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Ban tổ chức đã mời Viện nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục du lịch – tác giả của Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà – nhưng đơn vị này đã không tham dự.
Ông Vinh cũng thông báo về các kiến nghị mà Ban tổ chức hội thảo đã ký gửi Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ngày 10-5 gồm:
– Rà soát lại toàn bộ các quy hoạch liên quan đến bán đảo Sơn Trà để thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng tại đây.
– Rà soát, chấn chỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là đất rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên sang đất khác.
– Đặc biệt lưu ý xem xét lại nội dung và thẩm quyền ra quyết định năm 2008 về phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng ở Đà Nẵng.
– Khái niệm rừng ở độ cao 200m trở xuống ở Sơn Trà được xếp “rừng nghèo” là không đúng cơ sở khoa học.
– Xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành khu dữ trữ sinh quyển thế giới.
– Xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn thiên nhiên ở Sơn Trà…
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này