14:57 - 23/06/2016
Điều 292 sẽ đẩy các start-up Việt Nam ra nước ngoài
Để thoát án tù và bị tịch thu tài sản, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ phải chuyển ra nước ngoài như Singapore, Mỹ hoặc Hong Kong (Trung Quốc)…
Một nhóm các doanh nghiệp vừa có kiến nghị gửi lên lãnh đạo Nhà nước liên quan đến Điều 292 Bộ Luật Hình Sự 2015 (BLHS 2015) về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, nhóm doanh nghiệp này đã đưa ra phân tích và kiến nghị hủy bỏ Điều luật trên trước khi nó có hiệu lực pháp luật.
Tái lập tội kinh doanh trái phép
Điều 292 BLHS 2015 quy định: “Người cung cấp dịch vụ trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép) trên mạng máy tính, mạng viễn thông nếu thu lợi trên 50 triệu đồng hoặc doanh thu trên 500 triệu đồng, tùy theo mức độ có thể bị phạt đến 5 năm tù giam hoặc phạt tiền đến 5 tỷ đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Trong khi, luật cũ mức phạt cao nhất của tội kinh doanh trái phép cũng chỉ đến 2 năm tù.
Các doanh nghiệp phân tích, Điều luật này đang hình sự hóa cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo đó kể từ 1/7 tới, nếu ai đó mở website rao vặt, forum có phần rao vặt, viết game tung lên các appstore nhằm kiếm tiền quảng cáo như trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, hay ứng dụng kiểu Uber… mà chưa xin phép thì có nguy cơ bị bỏ tù và tịch thu toàn bộ tài sản.
Quốc hội đã hủy bỏ tội danh Kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS 1999), nhưng đáng tiếc Điều 292 BLHS này thực chất quy định tội danh kinh doanh trái phép riêng cho lĩnh vực cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Thậm chí, mức độ xử phạt còn nghiêm khắc hơn so với điều 159 BLHS 1999.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ hành vi kinh doanh trên mạng máy tính (được hiểu là mạng internet) không xin phép bị hình sự hóa tại Điều 292 BLHS 2015.
Quy định như vậy là không công bằng và phân biệt đối xử, hạn chế những người cung cấp dịch vụ trên mạng internet so với ngành nghề khác, đi ngược với chính sách thúc đẩy công nghệ thông tin của Nhà nước và Chính phủ.
Doanh nghiệp khởi nghiệp chết yểu hoặc phải ra nước ngoài
Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng, theo như quy định của pháp luật Việt Nam, phần lớn các dịch vụ cung cấp trên mạng internet, do có tương tác giữa người sử dụng với nhau, sẽ được coi là mạng xã hội.
Với các điều kiện như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đều không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mạng xã hội hoặc nếu xin phép phải mất 6 – 12 tháng hoặc thậm chí không thể xin phép được.
Bản chất của khởi nghiệp là đang trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện mô hình kinh doanh và tỷ lệ thất bại rất cao. Chính vì vậy, hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp phải triển khai dịch vụ trước khi xin giấy phép.
Nhưng nếu họ thành công, có lợi nhuận trên 50 triệu đồng hoặc doanh thu trên 500 triệu đồng, chiểu theo Điều 292 BLHS 2015, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các doanh nghiệp đặt vấn đề, với thực tế này hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp phải chấp nhận chết yểu hoặc chuyển sang các nước khác đặt server nhưng vẫn cung cấp dịch vụ ngầm hoặc biến tướng ở Việt Nam, trong khi đóng thuế ở nước ngoài.
Văn bản kiến nghị cũng nêu một thực tế khác là nhiều dịch vụ trên mạng internet được cung cấp từ cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam, họ vẫn thu tiền của người sử dụng Việt Nam và Nhà nước Việt Nam khó có thể quản lý, đánh thuế họ.
Với Điều 292 BLHS 2015, cũng khó truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài này, trong khi do lo sợ Điều 292 BLHS 2015 cũng như do thực tế như đã nêu trên, càng ít doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam cung cấp dịch vụ tương tự một cách hợp pháp.
Nói cách khác, Điều 292 BLHS 2015 chỉ khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam không dám phát triển. Điều này mang lại thị trường màu mỡ cung cấp dịch vụ trên internet cho cá nhân, tổ chức nước ngòai chiếm lĩnh.
Cần phân định mức độ vi phạm
Các doanh nghiệp cho rằng, Điều 292 BLHS không phân biệt những vi phạm gây tác hại xấu đến xã hội và những vi phạm không gây tác hại xấu.
Việc gộp toàn bộ các vi phạm cung cấp dịch vụ trên mạng trái phép để xử lý hình sự là quá rộng lớn. Xử lý hình sự, bao gồm phạt tù, là hình thức xử lý nặng và có tính chất răn đe cao.
Pháp luật chỉ nên hình sự hóa những sai phạm mang tính chất gian dối, khuynh đảo để trục lợi, còn những sai phạm mang tính chất sơ suất mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì không nên hình sự hóa, mà chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đồng tình với quan điểm của nhóm doanh nghiệp trên, ông Nguyễn Minh Đức – Ban pháp chế VCCI cho rằng, nếu xử lý tất cả các hành vi sai phạm mà không phân biệt mức độ ảnh hưởng đến xã hội thì quy định trên đã không đúng với mục tiêu của BLHS.
BLHS chỉ xử phạt nặng mang tính răn đe, cách ly những người có hành vi nguy hại đến xã hội như cung cấp dịch vụ thuộc diện phải xin phép nhưng không xin phép mà dịch vụ đó gây tác hại xấu đến xã hội, ví dụ như games bạo lực, khiêu dâm…
Đối với hành vi cung cấp dịch vụ thuộc diện phải xin phép nhưng không xin phép mà dịch vụ đó không gây tác hại xấu đến xã hội, ví dụ như flappy bird… cũng chỉ thuộc loại vi phạm hành chính.
Điều 292 lại xử cả hai nhóm hành vi trên như nhau là điều bất cập.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này