
09:19 - 25/03/2016
Dệt may với TPP: Chỉ nên xem là lợi ích cốt lõi nhất thời
“Có nguy cơ Việt Nam sẽ mãi mãi ở ngành sản xuất công nghệ thấp và thâm dụng lao động. Phải xem những ngành này là ngắn hạn và có chiến lược để thay đổi sang ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao hơn” – Giáo sư Hansjörg Herr nói.

Dệt may đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, nhưng cũng chỉ nên xem là lợi ích nhất thời.
Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu dệt may, sau Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ. Có nhiều đánh giá cho rằng, tham gia TPP, Việt Nam sẽ qua mặt Bangladesh.
Giáo sư Mustafiz Rahman – Centre for Policy Dialogue (CPD), Bangladesh nhận xét: “Hiện tại, thuế suất hàng dệt may vào EU là 17%, vào Mỹ cũng 17%. Các con số tương ứng của Bangladesh là 17% và 0%. Với FTA Việt Nam – EU và TPP, các mức thuế của Việt Nam sẽ về 0%. Như vậy Việt Nam sẽ có lợi thế so với Bangladesh, nhất là ở thị trường Mỹ”.
Lợi ích cốt lõi
Dệt may được xem là lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong TPP. Ngành này mỗi năm mang về cho Việt Nam vài chục tỷ USD (năm 2015 là 27 tỷ USD).
Ông Lê Tiến Trường là phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đồng thời là thành viên đàm phán TPP về chương dệt may.
Ông Trường phân tích về lợi ích cốt lõi của Việt Nam là ngành dệt may: “Trong 30 triệu lao động nông nghiệp, có đến 10 triệu lao động là thừa khi số lao động này nếu rút ra khỏi ngành nông nghiệp thì cũng không làm giảm năng suất nông nghiệp.
Tạo việc làm cho số lao động dư thừa này là quan trọng và phát triển công nghiệp trong đó dệt may là một giải pháp. Thu nhập công nhân may hiện nay là 3.000 USD/năm, gấp 1,5 lần GDP bình quân đầu người của
Việt Nam. Vậy dệt may không chỉ tạo việc làm, mà còn giúp tăng thu nhập chung”.
Theo ông Trường, dệt may vẫn là ngành công nghiệp đang có năng lực cạnh tranh, tạo thặng dư kim ngạch rất tốt. Trong hơn 27 tỷ USD thu được từ xuất khẩu dệt may năm 2015, nhập khẩu nguyên phụ liệu hết 14 tỷ USD, chi trả tiền lương, chi phí lao động hết 6 tỷ USD. Hơn 7 tỷ USD là nguyên phụ liệu trong nước.
“Thu nhập thấp do ta giữ khâu giá trị thấp, chứ năng suất kỹ thuật của dệt may Việt Nam nằm trong top 3 thế giới”, ông Trường nói.
Đáp ứng nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi, ông Trường nhận định: suất đầu tư cho một công nhân may chỉ 3.000 USD, trong khi cho sợi là 200.000 USD.
Việc này rất khó khăn khi hầu hết doanh nghiệp dệt may đều ở quy mô vừa và nhỏ. Hiện Việt Nam cũng đang nhập 8 tỷ mét vải/năm. Nhu cầu đầu tư cho khu vực dệt nhuộm 15 tỷ USD.
Do vậy, theo ông Trường, cần thu hút đầu tư quốc tế. Vấn đề là Chính phủ phải quy hoạch và quản lý tốt nhất có thể để tránh chuyển giá, tránh trốn thuế, có những nguyên tắc bảo vệ môi trường cho tốt… chứ không thể phân biệt đối xử trong nước hay nước ngoài.
Những nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam. Và phía các doanh nghiệp Việt cần giải bài toán liên kết, hợp tác, không phá giá lẫn nhau, để tham gia vào chuỗi, để hưởng được nhiều lợi nhuận hơn. Đó là cách đặt vấn đề của ông Trường. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam muốn hưởng lợi ích từ ưu đãi thuế thì vẫn phải may ở Việt Nam.

Các diễn giả trong hội thảo cho rằng, Việt Nam cần có chính sách để chuyển lên nấc thang cao hơn về công nghệ.
Chính sách công nghiệp?
“Câu chuyện một chiếc áo sơmi sản xuất ở Việt Nam khi thông quan ở cảng New York có giá 4,88 USD, nhưng về đến cửa hàng bán lẻ thì giá bán chính thức là 95 USD”, do nhà báo Phi Tuấn đề dẫn tại hội thảo, đã được nhiều diễn giả hào hứng phân tích.
Giáo sư Hansjörg Herr – Berlin School of Economics (FHW), Đức – cho rằng, cái khó của Việt Nam là chưa đào tạo tốt trong ngành dệt may, nên các công ty đầu tư nước ngoài chỉ muốn Việt Nam sản xuất ở một số khâu, những khâu chất lượng cao họ muốn đem về những nước phát triển làm…
Theo ông Erwin Schweisshelm, giám đốc đại diện viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam: “Đây là ngành dịch chuyển nhanh từ quốc gia này sang quốc gia khác theo chi phí lao động. Lao động Việt Nam hiện đang rẻ so Trung Quốc và Indonesia, nhưng lương đang tăng. Và việc tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng để phát triển bền vững”.
Giáo sư Hansjörg Herr cho biết: “Thương mại tự do làm tăng năng suất lao động toàn cầu. Nhưng những nước xuất phát thấp thường thiệt thòi khi nhìn vào lợi thế so sánh. Việt Nam lợi thế là nhưng ngành sản xuất thâm dụng lao động, trong khi Mỹ là ngành thâm dụng công nghệ.
Có nguy cơ Việt Nam sẽ mãi mãi ở ngành sản xuất công nghệ thấp và thâm dụng lao động. Phải xem những ngành này là ngắn hạn và có chiến lược để thay đổi sang ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao hơn. Do vậy, chính sách phát triển công nghiệp là vô cùng quan trọng”.
Để nhấn mạnh vai trò của chính sách, giáo sư Herr nói: “Chính phủ Mỹ cũng can thiệp sâu vào thị trường tự do”.
Các công ty nước ngoài chỉ muốn Việt Nam làm một số khâu giá trị thấp, những phần giá trị cao thì họ giữ (thiết kế, tiếp thị, thương mại…)
Đó là thách thức của Việt Nam trong việc leo lên cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phải có môi trường để hiệp hội các chủ lao động, liên đoàn lao động phải là đối tác của chính phủ trong xây dựng chính sách công nghiệp.
Theo giáo sư Mustafiz Rahman: “Chúng ta đang chạy theo chính sách cạnh tranh về giá. Và việc đó không đem lại lợi ích. Lương công nhân may ở Bangladesh là 65 USD/tháng, làm sao giảm được nữa. Cần có thoả thuận giá sàn để nghĩ tới đời sống lao động. 65% giá trị sản phẩm ngành này thuộc về thương hiệu và marketing và do các nước phát triển nắm giữ, nếu chúng ta làm được toàn bộ phần sản xuất, thì cũng chỉ được 35%”.
Ông Erwin Schweisshelm nhận xét: “Dệt may đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế mới nổi. Nó tạo công ăn việc làm và giúp phát triển kinh tế. Phải thay đổi trong cách tham gia chuỗi giá trị, ngành dệt may các tập đoàn đa quốc gia giữ những khâu giá trị cao và họ đã rất hiệu quả trong ép giá các nhà sản xuất, khi mà từ năm 1989
đến nay giá bán sản phẩm ngày càng rẻ hơn.
Đặc điểm ngành này là nó sẽ dịch chuyển rất nhanh theo chi phí lao động rẻ. Trong lịch sử, nó đã dịch chuyển từ Anh và Tây Âu sang Đông Âu, Trung Quốc, và bây giờ là Việt Nam. Chính sách công nghiệp cần thấy rõ điều này và chấp nhận sự di chuyển, để chuyển qua những ngành công nghệ cao hơn. Không mắc kẹt với ngành công nghiệp này và rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.
Ông Gatot Arya Putra, Indonesia Reasearch and Strategic Analys, nhận xét: “Bất kể ngành công nghiệp nào nếu năng suất thấp là bản chất thì thu nhập cũng thấp. Do vậy phải có chính sách tăng năng suất. Những nước phát triển chiếm hết giá trị gia tăng của ngành dệt may.
Nếu Bangladesh trả lương cao và bán sản phẩm giá cao hơn, thì họ chuyển qua mua của châu Phi. Phát triển ngành này, chúng tai vào bẫy thu nhập thấp. Do vậy, về lâu dài cần có chính sách công nghiệp để chuyển sang những ngành công nghiệp cao hơn. Hãy nhìn Đài Loan, Hàn Quốc. Trước đây, họ cũng có dệt may nhưng nay họ đã chuyển sang những ngành khác và thoát được cái bẫy này”.
Hội thảo “Công nghiệp dệt may Việt Nam và bước ngoặt hội nhập lớn” diễn ra tại TP.HCM cuối tuần trước do trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), hội DN HVNCLC, viện Friedrich Ebert Stiftung tổ chức.
Thanh Trúc
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này