
09:31 - 24/03/2022
Dày đặc trạm thu phí BOT
Tại TP.HCM và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… có nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Tuy nhiên, vấn đề là khoảng cách các trạm không đúng theo quy định, quá dày đặc gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM có trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường này. Cách đó khoảng vài kilômét, theo đường chim bay, là trạm thu phí cầu Phú Mỹ, thu phí hoàn vốn cho công trình đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ. Xa hơn một chút, khoảng hơn 15km ở cửa ngõ phía Nam và phía Tây TP.HCM là các trạm thu phí hoàn vốn xây đường Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc…
Tương tự, tại TP Dĩ An, Thuận An, tỉnh Bình Dương có 3 trạm BOT, tập trung trên quốc lộ 13, đường ĐT 743 với khoảng cách giữa các trạm chỉ khoảng 5-7km. Đáng nói, trạm thu phí BOT Vĩnh Phú, Lái Thiêu đặt ở khu vực giáp ranh giữa Bình Dương với TP.HCM, là nút giao tập trung khá đông đúc phương tiện giao thông và có cả một trường tiểu học nằm gần đó. Chưa kể, trạm này còn có tới 3 vị trí đặt trạm thu phí với mức thu xe hơi 15.000 đồng/lượt (trên quốc lộ 13, hướng từ TP.HCM đi Bình Dương và ngược lại; trên đường ĐT 745, phường Lái Thiêu, TP Thuận An), khiến người dân qua lại khá tốn kém, nhất là di chuyển vào nội thị TP Thuận An.
Còn trạm thu phí trên đường ĐT 743 lại nằm gần sát UBND phường Bình Hòa, TP Thuận An và một số trường mầm non công lập, tư thục – khu vực vào giờ cao điểm thường tập trung khá đông người qua lại. Mức phí qua trạm này là 10.000 đồng/lượt, tuy không quá cao nhưng di chuyển trên đoạn đường khoảng 7km mà có tới 3 trạm BOT, gộp lại thì số tiền không nhỏ, khiến nhiều người thắc mắc.
Anh Nguyễn Văn Hậu (40 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết: “Tôi thường xuyên di chuyển từ khu vực quận Gò Vấp, qua TP Thuận An, Dĩ An tới quốc lộ 1K để vận chuyển hàng hóa ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đi qua tỉnh Bình Dương, đoạn đường chưa tới 10km nhưng phải qua 3 trạm thu phí và trả mấy chục ngàn đồng tiền phí là rất khó khăn với người lao động như tôi”.
Đáng chú ý, trên địa bàn TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trạm thu phí quốc lộ 1K đặt trên địa bàn giáp ranh phường Đông Hòa và phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 10/2020, nhưng hiện các hạng mục phục vụ thu phí vẫn còn án ngữ trên đường, trong khi công tác bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực gần như bỏ ngỏ. Trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng tuyến đường thuộc Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K cũng tạm ngưng từ lâu khiến nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.
Do yêu cầu của địa phương
Bình Phước cũng là tỉnh có nhiều trạm thu phí với mật độ dày đặc, nhất là trên tuyến quốc lộ 13 và đường ĐT 741. Cụ thể, chỉ tính riêng trên đường ĐT 741 từ thị xã Phước Long đến TP.HCM có chiều dài khoảng 150km, nhưng có tới 6 trạm thu phí, gồm: Phước Long – Bù Nho, Bù Nho – Đồng Xoài (2 trạm nằm trong đoạn đường khoảng 46km), Đồng Xoài – Tân Lập (cách nhau 29km), Tân Lập – Bố Lá (cách nhau 30km), Bố Lá – Suối Giữa (cách nhau 58km) và Suối Giữa – Lái Thiêu (cách nhau 17,2km). Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ 13 từ huyện Chơn Thành đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đặt 2 trạm thu phí. Trên quốc lộ 14 đoạn qua Bình Phước đặt 1 trạm thu phí. Đó là chưa tính đến kế hoạch xây dựng thêm tuyến đường BOT mới nối Đồng Phú – Bình Dương.
Ông Đậu Văn Dung, ngụ huyện Bù Đốp, chuyên chở nông sản về TP.HCM, cho biết, mỗi sản phẩm sản xuất ra ở Bình Phước chuyên chở đến TP.HCM phải chịu đến 24 lần phí BOT khi đi qua các trạm BOT. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá nông sản của địa phương này thường cao hơn so với các nơi khác.
Tại Đồng Nai, hiện có 6 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 (BOT Trảng Bom), BOT quốc lộ 51 (TP Biên Hòa) do Bộ GTVT quản lý; các trạm thu phí đặt ở đường tỉnh 768 (huyện Vĩnh Cửu), đường vào mỏ đá Tân Cang (huyện Long Thành), đường 319 nối với cao tốc Long Thành – Dầu Giây do Sở GTVT tỉnh Đồng Nai quản lý. Các trạm thu phí do tỉnh Đồng Nai quản lý đều đảm bảo quy định khoảng cách 70km/trạm, mức thu phí tùy thuộc vào quy định của các trạm.
Trừ Đồng Nai, tại sao các trạm thu phí của các địa phương còn lại, lại dày đặc như vậy? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo ngành giao thông của hầu hết các địa phương đều viện dẫn Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.
Theo họ, do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của các địa phương tăng cao trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp nên họ đã vận dụng quy định “nếu khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường (như quy định) thì Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Tài chính xem xét và quyết định cho từng trường hợp cụ thể đối với việc đặt trạm trên đường quốc lộ và đối với đường do địa phương quản lý thì UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo, xin phép HĐND cùng cấp quyết định”.
Theo Nhóm PV/SGGP-ĐTTC
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương yêu cầu các DN đa cấp báo cáo kết quả hoạt động
Phía sau làn sóng di cư: một khoảng trống mênh mông ở quê nhà
Đề xuất đổi mới mô hình tổ chức của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội
‘Quy trình’ ở Sơn Trà
Doanh nghiệp ‘vượt bão’ cắt giảm lao động
Tags:trạm thu phí bot
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này