17:21 - 15/12/2017
Chi phí vận tải hàng không Việt Nam quá cao
Chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% so với mức bình quân toàn cầu.
Sáng 15/12, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam 2017.
Trong phiên thảo luận, các ý kiến cho rằng chi phí vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không của Việt Nam hiện nay quá cao bởi chưa có đường bay chuyên phục vụ vận chuyển hàng hoá. Từ đây, đặt ra vấn đề cần có quy hoạch, nghiên cứu dài hạn cho việc giải quyết bài toán liên quan đến cước phí hàng không.
Trả lời câu hỏi tại sao cước vận tải hàng không của Việt Nam cao hơn khu vực, ông Đỗ Xuân Quang, Tổng Giám đốc Vietjet Air Cargo, cho hay: “Câu trả lời là giá cả phụ thuộc vào cung cầu. Do hiện nay, chúng ta chưa có đường bay từ Hà Nội, TP.HCM trong khi Bangkok có hàng chục chuyến bay thẳng chở hàng nên giá của họ rẻ hơn”.
Ông Quang cũng cho rằng nhu cầu cần có những đội bay chuyên chở hàng hoá là nhu cầu bức thiết hiện nay. Nhất là, cần những tàu bay chuyên chở hàng hoá nông nghiệp, hàng dễ hỏng như hoa, trái cây, thuỷ hải sản… “Chỉ khi có đường bay thì giá mới rẻ hơn” – ông Quang nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tham luận tại diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB), cũng nhận định chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam cao hơn mức bình quân của khối ASEAN. Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% so với mức bình quân toàn cầu.
Kéo theo đó, thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này, theo ông Ousmane Dione, cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự “thăng tiến” nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh.
“Do đó, Việt Nam cần một giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu bên cạnh tự do hóa thương mại nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, khi nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã phát triển lên trình độ mới, bảo đảm duy trì tăng trưởng nhanh” – Giám đốc Quốc gia của WB nêu ý kiến.
Theo Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này