
14:45 - 27/07/2016
Cải cách thể chế là nền tảng để tăng trưởng
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có nghiên cứu kế hoạch và chương trình cải cách đồng bộ cơ bản với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách cải cách kinh tế.
Những chuyển biến về môi trường kinh doanh đánh trúng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, đó là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm 2016 và những năm tới.
Đây là ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tại Hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2016 của CIEM ngày 26/7.
Chính phủ sau kiện toàn có nhiều nỗ lực
Quý 2/2016 chứng kiến bước chuyển giao đầu tiên của bộ máy Chính phủ. Chính phủ sau kiện toàn đã đưa ra một loạt thông điệp với tư tưởng tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
CIEM cho rằng, bộ máy Chính phủ sau kiện toàn đã nhanh chóng bắt tay vào công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội, gắn với thúc đẩy cải cách nền tảng kinh tế với những chuyển động chính sách.
Việc các kết quả kinh tế-xã hội trong quý 2 chưa đạt được kỳ vọng không “làm mờ” những nỗ lực của Chính phủ.
Bản thân những kết quả tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối tốt so với không ít quốc gia trong khu vực.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Những chuyển biến về môi trường kinh doanh đánh trúng kỳ vọng của cộng đồng DN và dân cư. Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm 2016 và những năm tới.
CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế quý 3 có thể đạt mức 6,14%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 6,8%; thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý 3 là khoảng 1,31%.
Nhưng báo cáo nhận định, nền kinh tế Việt Nam chưa lấy lại được đà phục hồi tăng trưởng và việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 gặp nhiều khó khăn…
Báo cáo của CIEM nhận định, khu vực DN ít nhiều có chuyển biến (khi số DN đăng ký thành lập mới trong quý 2 và 6 tháng đầu năm tăng tương ứng 16,6% và 20%) chủ yếu nhờ tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả ban đầu của các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cộng thêm niềm tin đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng khu vực DN chưa thực sự hết khó khăn khi số DN giải thể trong quý tăng 20,7% so với cùng kỳ 2015.
Về lạm phát, CIEM cho rằng, công tác điều hành giá cả vẫn gặp một số rủi ro trong nửa cuối năm 2016 do tác động từ việc tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý giá và tác động từ biến động dòng vốn nước ngoài, điều này khiến mặt bằng lãi suất khó giảm.
Tăng trưởng không nên quá dựa vào bơm vốn
Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam vẫn nên kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, ví dụ khi tăng trưởng kém, thì dùng bài thuốc quen thuộc tìm cách “bơm vốn”, mà vẫn nên kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Những hạn chế cố hữu trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũng cần thời gian để xử lý, nhưng cần phải bắt tay vào cải cách một cách thực chất, quyết liệt.
Báo cáo cũng cụ thể hóa những kiến nghị về các nhóm giải pháp liên quan đến tiền tệ, tài khóa, thương mại, giá cả-tiền lương.
Giải pháp quan trọng nhất, cốt yếu nhất là đẩy nhanh việc cụ thể hóa định hướng tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với một chính sách ngành tập trung hơn, phát huy vai trò của đổi mới khoa học-công nghệ và cải thiện năng suất lao động.
Những nội dung liên quan đến giảm thiểu tác động môi trường của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng được đề cập trong Báo cáo của CIEM.
“Nhìn chung các DN FDI đã thể hiện việc tuân thủ các quy định về môi trường khá tốt, song một số khu công nghiệp (KCN), doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN của các cơ quan nhà nước chưa thật chặt chẽ. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách và đặc biệt là tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi các chính sách về môi trường luôn luôn cần được chú trọng”, báo cáo nhận định.
Theo TS Nguyễn Quang Thái, Việt Nam không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP mà cần phải huy động tối đa các nguồn lực để đạt mục tiêu cao hơn qua kiến tạo môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất giá trị sản phẩm… một cách hài hòa để kinh tế tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng, cần có nghiên cứu kế hoạch và chương trình cải cách đồng bộ cơ bản với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách cải cách kinh tế, trong đó xây dựng sớm đề án ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhấn mạnh yếu tố nền tảng dài hạn, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định, bên cạnh tập trung vào các chỉ số tăng trưởng trước mắt, cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế của mô hình kinh tế, để tìm ra phương thuốc phù hợp, để cải cách thể chế một cách quyết liệt hơn.
“Cơ chế giám sát hiện nay chưa thực hiện tốt, những sai phạm xảy ra, cần phải xử lý quyết liệt và quy trách nhiệm rõ ràng. Cần chấm dứt tình trạng khi có vấn đề xảy ra những người vi phạm vẫn sử dụng điệp khúc “làm đúng quy trình”, những người mắc lỗi chỉ bị điều chuyển mà không bị xử lý thích đáng”, TS Lưu Bích Hồ thẳng thắn.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này