09:48 - 06/04/2022
Xuất khẩu và chỉ dấu sự hồi phục
Việc khống chế hiệu quả các đợt bùng phát Covid-19 giúp nước ta sớm vận hành lại bộ máy kinh tế, đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn đón vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đã khích lệ xuất khẩu tăng ngay quý đầu năm.
Quý 1/2022 xuất khẩu đạt 87 tỷ USD, tăng 10,9% so với quý 1/2021. Với việc xuất khẩu đạt 32 tỷ USD, tháng 3 là tháng cao nhất trong 3 tháng đầu năm, hơn hẳn tháng 2 – chỉ 23,4 tỷ USD. 15 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng trên 5 tỷ USD với 2 tên tuổi đạt 10 tỷ USD trở lên.
Trong 3 tháng đầu năm, sản xuất, chế biến thủy sản trở lại bình thường, nhu cầu thị trường tăng với mức cao, xuất khẩu thủy sản tiếp nối bứt phá của những tháng cuối năm 2021, tăng 38,7% – gấp đôi mức tăng của cả nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (19,7%), mức tăng cao thứ 2 trong 9 mặt hàng của nhóm này. 2 tháng đầu năm, thủy sản xuất khẩu sang Anh tăng vọt. Các siêu thị tại Anh đang hạn chế bán cá đông lạnh của Nga, cá tra Việt Nam sẽ tăng thị phần.
Tháng 1, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD, nhiều nhất vào Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản rồi Trung Quốc. Đây là lần thứ 3 mặt hàng này vượt mốc 1,5 tỷ USD trong 1 tháng, lần đầu là tháng 3/2021, tiếp theo là tháng 6, đưa mặt hàng này nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đạt hơn 1 tỷ USD ngay tháng đầu năm, thuộc top 3 mặt hàng tăng 2 con số. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 25,2 tỷ USD. Xuất siêu sang EU ước đạt 7 tỷ USD, cho thấy hiệp định EVFTA tiếp tục được tận dụng hiệu quả, dư địa xông xênh.
Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực. Đây là FTA lớn nhất thế giới tính theo GDP, lớn hơn CPTPP, EVFTA, khối thương mại Mercosur ở Nam Mỹ và FTA Mỹ – Mexico – Canada gần đây. RCEP sẽ góp phần đa phương hóa các FTA ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác, hài hòa các cam kết; tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo đó, nhiều lô hàng nước mắm, cà phê hòa tan, đồ uống cao cấp… với giá trị lớn đã sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm, gia cố vị thế số 1 thị trường xuất khẩu của ta.
Đối tác Hàn Quốc thông báo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022. Theo đó, 55.112 tấn gạo của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 5%. Thuế suất cho gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch 513%. Gian hàng Việt Nam – Vietnam Pavion trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com, giúp doanh nghiệp mở rộng không gian quảng bá, tiếp cận khách hàng từ 190 nước và vùng lãnh thổ, trở thành công cụ xúc tiến thương mại hữu hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh mới.
Nhưng vẫn còn những cản ngăn. 11 nhóm hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gồm sản phẩm gỗ, xe đạp điện và pin năng lượng mặt trời… đều xuất khẩu lớn sang Mỹ. Cơ hội đan xen với thách thức là vậy. Chuyện 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia chứng tỏ việc cảnh báo về lừa đảo trong thanh toán quốc tế là không thừa. Qua đây cũng bộc lộ non yếu trong lĩnh vực này, mà “tội vạ” không chỉ của doanh nghiệp.
Chiến dịch quân sự của Nga lập tức ảnh hưởng tới các nước đang phát triển, Việt Nam không ngoài vòng, song có khác. Xuất khẩu vào Nga không nhiều nhưng vì hầu hết là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, lại đơn phương độc mã nên “dính” vào ai thì đơn vị đó khốn đốn. Nhập khẩu từ Nga cũng ít, nhưng rơi vào những mặt hàng “đinh”, cho sản xuất, nhất là cho công nghệ cao, làm hàng xuất khẩu, ảnh hưởng vì thế sẽ không nhỏ.
“Bệnh mạn tính” về rau quả ở biên giới phía Bắc trước Tết Nguyên đán đã thuyên giảm, ai dè vừa ăn Tết xong tái phát ngay. Xuất khẩu rau quả quý này hụt 12% so với quý I năm ngoái, khi xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác khởi sắc. Vì thế, các nơi có cửa khẩu với Trung Quốc cần triển khai mô hình “cửa khẩu an toàn”, “cửa khẩu xanh” để phía Trung Quốc yên tâm về việc ta đã phòng chống dịch có hiệu quả.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này