
09:15 - 19/04/2017
Xin – cho và đột phá
Cần Thơ lần đầu tiên nhìn thẳng vào những gót chân Achille của thành phố. Từ nhìn thấy đến thắng còn cách nhau bao xa khi có ý kiến chuyên gia cho rằng không nên nôn nóng…
Người ta nói Cần Thơ tập trung rất đông người có học, chỉ cần ngồi vào quán càphê, quán ăn hay dừng xe ở chốt đèn giao thông có thể biết đích xác người bưng bê hay những người phát tờ rơi ở ngã ba – ngã tư là sinh viên!
Lớp cán bộ đi du học khá đông, học hành đến nơi đến chốn. Có không ít doanh nhân quan hệ chặt chẽ với Hong Kong, Sán Đầu (Trung Quốc) hay Nhật, Hàn, Thái…
Nhiều nhà đầu tư nổi tiếng trong nước và quốc tế vào đây xây dựng công trình rộng lớn, cao sang chưa từng có ở đồng bằng, diện mạo phố thị thay đổi rất nhiều…nhưng theo nhiều cư dân, mọi thứ chỉ nhộn nhịp vào tháng khai trương giảm giá… Cái hay của Cần Thơ là dám nhìn thẳng vào sự thật.
Diễn đàn kinh tế lần thứ nhất
Lần đầu tiên, UBND TP Cần Thơ tổ chức diễn đàn kinh tế, chủ đề “Giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh TP Cần Thơ giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, kỳ vọng cải thiện được những điểm yếu hiện nay và sớm đưa Cần Thơ thể hiện được “vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long” vào ngày 13/4.
Ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thẳng thắn thừa nhận: Dù có những thành tựu, kinh tế phát triển nhưng Cần Thơ chưa có sự đột phá trong thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đến, thậm chí có đoàn đi 30 – 40 người, cũng trao đổi, khảo sát, nhưng dù là đất lành nhưng chim không đậu.
Khi hỏi ra thì các nhà đầu tư nêu ba điểm khiến Cần Thơ bị mất điểm: 1/ Hạ tầng, logistics còn yếu (tàu trọng tải lớn hơn 20.000 tấn không vào được; không có kinh tế biển; cao tốc chưa xong; đường bay quốc tế không có…); 2/ Công nghiệp chế biến, phụ trợ kém; 3/ Thiếu dịch vụ chuẩn quốc tế (giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí…).
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đo lường chất lượng điều hành của Cần Thơ năm 2016 đạt 61,14 điểm, xếp hạng thứ 11/63 tỉnh, thành phố, được xem là tốt nhất trong mười năm qua và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) lần đầu tiên đạt 39,57 điểm, đứng đầu cả nước.
Năm 2016, xét tính minh bạch là hạn chế của Cần Thơ, xếp 47/63 tỉnh và so với năm thành phố trung ương. Phản ứng của doanh nghiệp cho biết rất khó tiếp cận tài liệu quy hoạch của thành phố, với điểm số 2,27 điểm.
TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh ba điều kiện phải để đột phá:
1/ Đổi mới tư duy, không bám lấy lối tư duy truyền thống là làm từng bước, làm từ từ, làm tuần tự, làm theo chỉ đạo, xin – cho; 2/ Thừa nhận, tôn trọng và khuyến khích tính đa dạng và tính khác biệt trong tổ chức sản xuất, trong đời sống xã hội; 3/ Có một thể chế và cách thức quản lý xã hội để sự đa dạng và khác biệt đó nảy nở và phát triển; tôn trọng, nuôi dưỡng và khuyến khích mọi cải tiến, đổi mới, sáng tạo và môi trường để cho mọi ý tưởng, sáng tạo đều có thể hiện thực hoá, thương mại hoá. Thay đổi công cụ và thái độ, văn hoá làm việc của bộ máy nhà nước nói chung và từng công chức nói riêng; nhất là những người lãnh đạo, là nhân tố quan trọng nhất.
Cũng như những thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ mong muốn có cơ chế đặc thù để rộng đường vượt lên, xứng tầm với vai trò trung tâm khu vực của mình; nhưng đó là cơ chế xin – cho.
Đầu tư nước ngoài yếu
Từ những năm 1980, Cần Thơ là nơi đầu tiên thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài (mô hình liên doanh Meko). Cần Thơ, thủ phủ Tây Nam bộ, vận hành theo “lý thuyết trung tâm”, nhưng khi việc đầu tư theo hướng mở rộng ở các tỉnh, trung tâm vùng chỉ là lý thuyết trong khi các hoạt động vận hành theo đa cực.
Giai đoạn 2007 – 2016, Cần Thơ thu hút 111,7 triệu USD/năm, đứng sau các tỉnh trong vùng như Long An, Tiền Giang và Trà Vinh. Nếu so sánh với các thành phố trung ương, tổng FDI thu hút đến cuối năm 2016 tại Hải Phòng là 561 dự án, tổng vốn đăng ký 14,46 tỉ USD; Đà Nẵng thu hút 450 dự án, tổng vốn đăng ký 4,4 tỉ USD; TPHCM 6.762 dự án, tổng vốn đăng ký 45,3 tỉ USD; Hà Nội thu hút 3.960 dự án, tổng vốn 25,7 tỉ USD, Cần Thơ chỉ có 81 dự án, tổng vốn 618 triệu USD.
Có bốn lý do khiến thu hút đầu tư vào Cần Thơ kém: chi phí vận chuyển cao, công nghệ thông tin yếu, nguồn nhân lực và điều kiện sống còn yếu và thiếu. Công tác xúc tiến đầu tư vẫn loay hoay, làm theo chủ quan, chưa rõ ràng.
Các địa phương khi xúc tiến đầu tư thường đưa ra danh mục những dự án mình có, mang tính áp đặt cho nhà đầu tư về lĩnh vực, quy mô, số vốn dự kiến… nên khó thu hút được vốn đầu tư, theo ông Nguyễn Phương Lam, phó giám đốc VCCI – chi nhánh Cần Thơ.
Trong mười chỉ số cấu thành PCI, bên cạnh những kết quả tăng điểm trong các chỉ số cấu thành, từng chỉ số thành phần cũng có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên xét về những chỉ số lớn, Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và Đào tạo lao động là hai chỉ số yếu nhất của Cần Thơ, không chỉ so với năm thành phố trung ương mà so với các tỉnh trong cả nước.
Về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Cần Thơ hiện chỉ có 0,74% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kinh doanh trên tổng số doanh nghiệp, rất thấp so với TPHCM là 3,75%, Đà Nẵng là 1,65% và xếp thứ 41/63 tỉnh về tiêu chí này. Doanh nghiệp tại Cần Thơ sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường không cao với tỷ lệ 31,48%, thông tin về pháp luật 33,93%; đối tác kinh doanh 24,76%; xúc tiến thương mại 19,05%. Kết quả năm 2016 chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,76 điểm, xếp 22/63 tỉnh và thấp nhất trong năm thành phố trung ương.
Theo VCCI Cần Thơ, một chỉ số được xem là điểm yếu lớn nhất của Cần Thơ là đào tạo lao động. Tỷ lệ lao động tốt nghiệp trường nghề trong tổng số lao động chưa qua đào tạo còn rất thấp, mới đạt 5,22%; tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng trên tổng lực lượng lao động chỉ đạt 6,6%. Điều đó cho thấy lao động tại Cần Thơ tỷ lệ đào tạo thấp và chưa được nhân rộng.
TS Dương Thái Công, hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ, báo động sinh viên thiếu kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, cơ sở vật chất để thực hành tại trường rất hạn chế. Nếu không ưu tiên cho giáo dục, không có kế hoạch dài hạn thì khó cải thiện được tình hình hiện nay.
Tạo đột phá từ nguồn lực bên ngoài
Bình Dương phát triển nhờ vào Singapore (dự án khu công nghiệp Việt Nam – Singapore); Vĩnh Phúc phất lên nhờ Honda; Bắc Ninh, Bắc Giang nhờ vào Samsung… TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, gợi ý: “Cần Thơ nên tìm kiếm, tận dụng nguồn lực bên ngoài để nương theo đó mà tạo đột phá. Tôi có tham gia một số cuộc họp và tôi thấy Singapore rất muốn kết nối với đồng bằng sông Cửu Long, hãy kéo họ vào thử xem, bởi tôi nghĩ rằng ngoại lực mới là đột phá”.
Logistics, giáo dục, y tế… là những lĩnh vực Cần Thơ nên kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Cung, nên để thị trường tìm kiếm nhu cầu chứ đừng theo phân bổ chỉ tiêu kiểu hành chính; phát huy ý kiến của doanh nghiệp, của người dân, đừng nên hô hào chạy theo chỉ tiêu.
“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là một hệ tư duy và hệ thống thể chế quá lạc hậu. Điểm yếu nhất là không chấp nhận, thậm chí triệt tiêu đổi mới, sáng tạo, nhạy bén và linh hoạt; một hệ thống bị níu kéo, và chấp nhận sự níu kéo của bộ phận, yếu tố lạc hậu nhất, yếu kém nhất”.
Năm 2017, Cần Thơ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 7,8%; thu nhập bình quân đầu người tính theo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP – Gross Regional Domestic Product) 72,6 triệu đồng (tăng 11,2% so với năm 2016); tổng thu ngân sách nhà nước 12.826 tỉ đồng; xuất khẩu năm 2017 đạt 1,67 ti USD (tăng 7,5% so với thực hiện năm 2016); tổng kim ngạch nhập khẩu 450 triệu USD, tăng 2,2% so với năm 2016.
Vân Anh – Ngọc Bích – Hà My
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này