
09:42 - 11/05/2017
Vợ tài xế đã xin lỗi rồi, còn cơ quan tuần tra
Người chết vì tại nạn giao thông đã quá nhiều rồi, người trực tiếp gây tai nạn cũng đã xin lỗi nhiều rồi, nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng liên quan đứng ra nhận trách nhiệm một cách cụ thể về mình.

Cơ quan chức năng có trách nhiệm đến đâu với các vụ tai nạn, như vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai mới đây?
Đến hôm nay những hình ảnh thảm khốc về vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 4h35 ngày 7/5 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giữa xe tải lao vào đường ngược chiều tông mạnh vào xe khách giường nằm, cướp đi sinh mạng của 13 người và làm bị thương 32 người, vẫn còn tràn đầy mạng xã hội, báo điện tử và ám ảnh những ai ngó qua.
Lỗi của vụ tai nạn đó rõ ràng là từ anh tài xế xe tải và chẳng thế mà sáng 8/5 tại bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, trong lúc chồng mình là tài xế xe tải bị chấn thương rất nặng, tiên lượng xấu, chị Quách Thị Phúc, vợ tài xế Quý, vẫn không quên gửi lời xin lỗi đến những gia đình gặp nạn trong vụ tai nạn.
Cụ thể, chị Phúc cho hay khi gia đình biết tin về tai nạn, tất cả đã rất sốc. Mẹ chồng chị liên tục ngất xỉu. “Sự việc xảy ra rất đau buồn, các gia đình nạn nhân đã mất mát quá lớn, tôi thay mặt gia đình gửi lời xin lỗi tới mọi người”, chị Phúc nói rồi ôm mặt khóc.
Chuyện xin lỗi trong nước mắt của chị Phúc tuy không làm những người chết sống lại, không làm những người mất đi chồng vợ con cái hết ngay nỗi đau; nhưng ít nhất cũng làm họ vơi đi phần nào, bởi chị cũng đau khổ không kém khi người chồng đang cận kề cái chết.
Nhưng đến trưa 8/5, theo dõi khắp trên phương tiện truyền thông đại chúng, ngoài chuyện chia buồn với gia đình nạn nhân thì vẫn chưa thấy cơ quan chức năng liên quan nào lên tiếng xin lỗi và nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên.
Nói cơ quan chức năng phải nhận một phần trách nhiệm thì phải có bằng chứng. Bằng chứng xác đáng nhất chính là việc tuần tra xử lý giao thông trên đường ở địa phương nơi xảy ra tai nạn. Và nếu đọc qua đoạn trả lời của người đứng đầu lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) ở địa phương này thì ai cũng dễ dàng nhận thấy họ có “liên can” chứ không phải “vô tội” như họ nói.
Cụ thể, trả lời phương tiện truyền thông ngày 8/5, đại tá Phạm Văn Uấn, trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, cho biết rạng sáng ngày 7/5, tổ tuần tra của lực lượng CSGT làm việc trên quốc lộ 14 đã phát hiện chiếc xe tải chạy tốc độ cao, bóp còi bất thường và nghi ngờ xe bị mất thắng. Do đang đi ngược chiều với xe này nên tổ CSGT đã không ra hiệu lệnh dừng xe, không truy đuổi. Sau đó khoảng 10 phút thì nhận được tin về vụ tai nạn và phối hợp cùng người dân đưa người bị thương đi cấp cứu (?!).
Nếu giả sử xe tải mất thắng thật thì lực lượng CSGT khi phát hiện cũng phải tìm cách hạn chế thương vong cho người và phương tiện đi đường bằng cách quay lại hú còi, dẹp đường chẳng hạn, tại sao lại không làm?… Đó là những câu hỏi mang tính “oán trách” được không ít bạn đọc đặt ra.
Từ đây đã có những bạn đọc liên tưởng đến vấn nạn bảo kê xe quá tải, bảo kê xe ben… nói chung là bảo kê cho doanh nghiệp vận tải hoạt động bất chấp luật giao thông của lực lượng thanh tra giao thông, CSGT.
Họ liên tưởng cũng đúng thôi. Nói chi ở đâu xa, ở TPHCM là một điển hình nhìn thấy ngay. Cách đây vài ngày, khi một tờ báo viết bài xe quá tải lại tung hoành ở TPHCM, bất chấp lệnh cấm, đường cấm. Thế nhưng, thực trạng trên khi được đặt trước mặt lực lượng liên quan thì lại nhận được câu trả lời, chúng tôi làm rất nghiêm nhưng vì chúng nó liều và cơ quan chức năng lại hứa tới đây sẽ tổng kiểm tra, tổng xử lý… chứ không bao giờ đả động đến trách nhiệm của mình phải gánh trên cương vị là người quản lý và xử lý.
Người chết vì tại nạn giao thông đã quá nhiều rồi, người trực tiếp gây tai nạn cũng đã xin lỗi nhiều rồi, nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng liên quan đứng ra nhận trách nhiệm một cách cụ thể về mình. Nguyên nhân chính yếu còn bỏ ngỏ thì tai nạn còn dài, còn thảm khốc là điều khó tránh khỏi!
Quân Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này