10:03 - 21/03/2019
Vết tích thời gian và hồn cốt đô thị
Mấy ngày qua, sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, theo đó rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay bằng một khu phức hợp có tính chất giải trí; đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Trước đó, khi nhiều thành phố ở Việt Nam trong quá trình phát triển đã đánh mất đi không ít “vết tích thời gian và hồn cốt đô thị”, cũng là gây đau lòng với bao cư dân nơi đây. Trên thực tế, làm thế nào để giữ gìn được “vết tích thời gian và hồn cốt đô thị” mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của các thành phố, là điều không đơn giản. Nhất là khi “vết tích thời gian và hồn cốt đô thị” trong nhiều trường hợp là sự cảm nhận của mỗi cá nhân.
Cách nay chưa lâu, Hội Kiến trúc sư TP.HCM có tổ chức một buổi tọa đàm về chỉnh trang đô thị dọc các bờ kênh của thành phố. Rất nhiều kiến trúc sư đã đưa ra ý kiến tâm huyết của mình… Thế nhưng, một giáo sư về môi trường có uy tín của thành phố đã không nén nổi bức xúc khi nghe phát biểu của một kiến trúc sư rằng, nên giữ lại một số nhà ven kênh để lưu lại dấu ấn của lịch sử. Vị kiến trúc sư này còn đưa ra một số hình ảnh minh họa về việc giữ lại các nhà ven kênh ở nhiều đô thị lớn trên thế giới. Những ngôi nhà soi bóng bên bờ kênh, thật đẹp.
Theo vị giáo sư về môi trường, kênh rạch TP.HCM bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi cực kỳ khó chịu, hầu hết nhà cửa ven kênh là nhà tạm bợ, nhếch nhác. Về mặt môi trường, giữ lại là không nên, về mặt xây dựng thì với đa phần là nhà lấn chiếm kênh, rạch mà xây nên, không tháo dỡ đi, thành phố khó lòng nạo vét, trả lại sự thông thoáng cho những dòng kênh. Không phản bác ý kiến của vị giáo sư về môi trường cũng như ý kiến của người kiến trúc sư kia, song nhiều kiến trúc sư tham dự buổi tọa đàm và sau này là nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị đều cho rằng, để tránh cảm nhận chủ quan, nên đưa ra một số tiêu chí cụ thể trong việc bảo tồn “giữ gìn vết tích thời gian và hồn cốt đô thị”.
Trên thực tế, theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Giám đốc Viện Quy hoạch TP.HCM, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch và nhiều bộ luật khác có liên quan, nghị định hướng dẫn thực hiện các bộ luật này có quy định 3 tiêu chí cụ thể để đánh giá, xếp loại các công trình kiến trúc cần bảo tồn, đó là tính lịch sử, tính văn hóa và giá trị kiến trúc. Bảo tồn cũng có nhiều cách tùy vào giá trị của công trình: bảo tồn toàn bộ công trình, bảo tồn một phần công trình…
Tất nhiên, những nguyên tắc mang tính chất “chuẩn hóa” này sẽ khó bao trùm hay đáp ứng được hết những cảm xúc của người quan tâm đến bảo tồn. Thế nhưng, vẫn phải cần có những tiêu chí, bởi nếu không sẽ… rối, và quan trọng hơn nữa, nếu không có “chuẩn” để ứng xử với công trình kiến trúc thì sẽ rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát triển.
Giữ “vết tích thời gian và hồn cốt đô thị” là việc luôn luôn phải làm, nhưng giữ như thế nào thì cần được “mổ xẻ” khách quan dựa trên những tiêu chí, trong đó có những tiêu chí đã được luật hóa. Có như vậy, những công trình kiến trúc này mới hòa được vào nhịp chảy của cuộc sống, trở thành một “miền thương nhớ” kết nối với hiện tại và tương lai. Xin dẫn lại lời của một kiến trúc sư nổi tiếng “nên bảo tồn chứ không nên bảo tàng các công trình kiến trúc có giá trị”, tức là phải làm cho công trình được bảo tồn được “sống” trong mạch sống của thời gian và góp phần cho sự phát triển của thành phố, của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Theo Nguyễn Khoa/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này