00:14 - 20/06/2017
Uber đang phải trả giá vì văn hóa ‘giành chiến thắng bằng mọi giá’
Theo nhà nghiên cứu, tác giả cuốn “Bankable Leadership” – Tasha Eurich – nhận định: Văn hóa “giành chiến thắng bằng mọi giá” đã giúp Uber đạt được thành công ban đầu, nhưng nó cũng trở thành “gót chân Achilles” khi Công ty phát triển ngày càng lớn mạnh.
Từ giẫm chân người khác đến “giẫm chân chính mình”
Với giá trị ước tính 70 tỷ USD, Uber có thể áp đảo mọi hãng khởi nghiệp khác trong lịch sử Thung lũng Silicon. Sự kiêu ngạo của Kalanick đã gắn liền với hình ảnh Uber.
Tuy nhiên, hàng loạt khủng hoảng trong thời gian qua đã khiến người ta nghi ngờ giá trị Uber và đặt ra câu hỏi liệu chính văn hoá doanh nghiệp mà Kalanick tạo ra có lẽ đang khiến Uber tự dẫm chân mình trên con đường phát triển tiếp theo?
Cuộc khủng hoảng của Uber bắt đầu từ tháng 2/2017, khi Susan Fowler — một cựu kỹ sư tiết lộ cô đã bị cấp trên quấy rối và phân biệt đối xử tại công ty. Fowler nói rất kỹ về việc phòng nhân sự đã lờ đi những phàn nàn của cô như thế nào. Kalanick cho rằng những tiết lộ này “rất kinh khủng và đi ngược với văn hóa của Uber”, rồi lập một nhóm điều tra sự việc trên.
Kể từ đó, Uber liên tiếp rơi vào tình huống khó. Alphabet – công ty mẹ của Google – kiện Uber với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại về xe tự lái. Sau đó, đoạn video về việc Kalanick văng tục khi tranh cãi với một lái xe Uber về giá cước được đưa lên mặt báo. CEO Uber sau đó đã phải xin lỗi về việc này.
Đầu tháng 3, hai lãnh đạo cấp cao liên tiếp rời công ty. Hai tuần sau đó, một nhân viên nghiên cứu hàng đầu của họ về trí tuệ nhân tạo cũng dứt áo ra đi. Uber gần đây còn bị phát hiện dùng phần mềm bí mật để qua mặt giới chức tại các địa điểm họ bị cấm hoạt động.
Mỗi lần Uber lâm vào tình cảnh khủng hoảng liên tiếp, Kalanick lại cố chứng tỏ ông đang cải thiện tình hình. Và đây cũng chẳng phải lần đầu.
Sau những sóng gió đó, Kalanick bày tỏ cần sự trợ giúp về mặt lãnh đạo. Đặc biệt, việc tuyển một COO dày dạn kinh nghiệm sẽ trấn an được các nhà đầu tư. Phần lớn họ vẫn luôn ủng hộ Kalanick, bất chấp các sai lầm của ông.
Tuy nhiên, nhiều người từng làm việc với Kalanick cho rằng muốn ông chia sẻ quyền lực là rất khó. Làm CEO từ năm 2009, Kalanick đã quen với việc có toàn quyền trong tay. Ông cũng nổi tiếng thích nhảy từ nhóm này sang nhóm khác để giúp họ giải quyết vấn đề của thời điểm đó.
Phong cách lãnh đạo của Kalanick không phải vấn đề duy nhất của Uber hiện tại. Mà chính các giá trị của ông cũng đang lung lay. Uber có 14 nguyên tắc, từ “làm việc như máy bơm” đến “tư duy của nhà vô địch” . Những nguyên tắc này đã gắn bó với họ từ thời kỳ đầu và rất khó tách rời.
Trước Uber, Kalanick từng thành lập 2 công ty nhỏ. Một đã phá sản. Đường thành công của ông cũng chẳng dễ dàng gì. Nhưng chúng khiến Kalanick trở nên dày dạn kinh nghiệm trận mạc, luôn khát khao và thích khởi nghiệp. Mỗi khi diễn thuyết trước công chúng, hoặc trước nhân viên, Kalanick lại nói về nhiệm vụ tham vọng của Uber – cung cấp phương tiện giao thông một cách dễ dàng, mọi lúc mọi nơi cho mọi người.
Tuy nhiên, ông cũng tạo ra một môi trường làm việc khắc nghiệt tại Uber. Trên Financial Times, các cựu nhân viên hãng này đều nói về những giờ làm việc dài dằng dặc và văn hóa cạnh tranh lẫn nhau ngay trong công ty.
Những người từng làm việc tại Uber đều ấn tượng về môi trường cạnh tranh khủng khiếp tại đây. “Ở đó, nếu thất bại, đó là lỗi của anh. Anh là người duy nhất chịu trách nhiệm cho thành công hoặc thất bại của chính mình”, một nhân viên kể lại.
Các lái xe tham gia Uber cũng có nhiều điều để phàn nàn. Nhiều người cho biết họ đã phải rất vất vả kiếm sống sau khi trừ chi phí xe cộ.
Phần lớn rắc rối gần đây của Uber là hậu quả trực tiếp từ văn hóa mà Kalanick đã gây dựng. Nó khiến nhiều người phải đặt câu hỏi liệu ông có thể đưa Uber ra khỏi tình hình hiện nay hay không. Nhiệm vụ vực lại tinh thần nhân viên và xây dựng lại danh tiếng cá nhân cũng cần sự dũng cảm rất lớn.
CEO bất ngờ bỏ đi, 14 nhà lãnh đạo “diễn trò vương quyền”
Uber vừa tuyên bố sa thải 20 lãnh đạo cấp cao. CEO kiêm nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick cũng vừa thông báo sẽ nghỉ phép vô thời hạn vì lý do “tai nạn nghiêm trọng của cha mẹ”, sau cuộc điều tra về hành vi quấy rối nhân viên và nhiều hành vi không phù hợp khác của công ty cung cấp dịch vụ gọi xe này.
Quyết định tạm nghỉ việc không thời hạn của giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick đang đặt startup có giá trị cao nhất trên thế giới hiện nay vào tình thế “rắn mất đầu”.
Uber cho biết công ty này sẽ chuyển sang mô hình mà theo đó công ty đi chung xe hàng đầu thế giới sẽ được điều hành bởi một nhóm giám đốc cấp cao bao gồm 14 thành viên. Đây không phải là cấu trúc ưa thích của Uber. Từ trước đến nay, startup này vẫn quen với việc được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo có quyền lực mạnh nhất và các giám đốc cấp cao được tạo điều kiện cạnh tranh lẫn nhau.
Trong email gửi nhân viên vào hôm 13/6, CEO Uber – Travis Kalanick viết: “Trong giai đoạn tạm thời này, đội ngũ lãnh đạo sẽ thay tôi điều hành công ty. Tôi vẫn sẽ quyết định những gì mang tính chiến lược nhất, nhưng tôi cũng sẽ để họ quyết đoán hơn và giúp bộ máy của công ty vận hành một cách nhanh chóng”.
Ông Kalanick cũng cho biết lý do cho việc tạm nghỉ này liên quan tới vụ tai nạn gần đây khiến ông vừa mất đi một người thân.
Trước đó, một loạt lãnh đạo chủ chốt của Uber cũng đã ra đi, bao gồm cả giám đốc kinh doanh Emil Michael (cánh tay phải của ông Kalanick) và chủ tịch Jeff Jones.
Nói cách khác, một startup trị giá 68 tỷ USD với hơn 14.000 nhân viên và 1 triệu tài xế đang được điều hành bởi những người đứng đầu bộ phận pháp lý, nhân sự, truyền thông, sản phẩm, hỗ trợ, thay vì giám đốc tài chính, giám đốc kinh doanh, giám đốc marketing hay giám đốc điều hành.
Joseph Bower – giáo sư chuyên ngành quản trị kinh doanh của trường ĐH Harvard nhận định để một ban lãnh đạo ngang hàng đưa ra các quyết định là điều rất không khả thi. Ông cho rằng họ sẽ không thể đưa ra quyết định theo cách đó.
Đại diện Uber cho biết công ty có một nhóm lãnh đạo tốt trong đó bao gồm cả những thành viên kỳ cựu đã đi cùng Uber từ những ngày đầu thành lập đến nay và những nhân tài mới giúp Uber thay đổi.
Rất ít doanh nghiệp từng trải qua giai đoạn chuyển đổi quyền lực như Uber. Giới chuyên gia quản trị nhận định phép so sánh gần nhất với tình trạng của Uber hiện nay là “Game of Thrones” – series phim truyền hình nói về cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các gia tộc.
Quá trình chuyển đổi của Uber sẽ rất phức tạp vì từ trước đến nay Kalanick đã xây dựng Uber theo cấu trúc để mọi quyết định hàng ngày ở Uber đều phải được ông thông qua.
Uber cho biết sẽ phân chia ban quản lý thành 4 đơn vị: kinh doanh, con người và tổ chức, sản phẩm và kỹ thuật, an toàn pháp lý – chính sách – truyền thông.
14 giám đốc điều hành bao gồm Rachel Holt – giám đốc Uber khu vực Mỹ và Canada, Andrew MacDonald – giám đốc Uber khu vực châu Mỹ Latin và Châu Á Thái Bình Dương, Pierre Dimitri Gore-Coty – giám đốc Uber khu vực châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.
Ngoài ra còn có cả Ryan Graves – CEO đầu tiên của Uber, CTO Thuan Pham, trưởng phòng an ninh Joe Sulliva, giám đốc truyền thông và chính sách Jill Hazelbaker, giám đốc sản phẩm Daniel Graf, trưởng bộ phận xe tự lái Eric Meyhofer, trưởng nhóm sản phẩm Jeff Holden, giám đốc nhân sự Liane Hornsey và giám đốc pháp lý Salle Yoo.
Hai gương mặt mới là David Richter – người vừa mới được bổ nhiệm trong tuần vừa qua thế chỗ cho ông Michael và Frances Frei đến từ trường kinh doanh Harvard.
Giáo sư Finkelstein đến từ trường ĐH Dartmouth dự đoán sẽ có 2 hoặc 3 người nổi lên dẫn dắt ủy ban lãnh đạo của Uber. Ông dự đoán nhiều khả năng Uber sẽ bị phân thành hai phe: một phe ủng hộ tầm nhìn của Kalanick và một phe muốn được đi theo hướng mới. Những người vận động để đưa Kalanick trở lại hoặc đơn lẻ tìm kiếm lời khuyên của Kalanick có thể sẽ tìm thấy một cơ hội để tiếp quản trong khi vị CEO vẫn đang ở khu “phạt đền”.
“Có 2 người cùng ra quyết định lãnh đạo là một sai lầm lớn cho mọi công ty, nhưng 14 người cùng chiến đấu để giành phần thắng thì lại là một chuyện khác”, ông Finkelstein nói. “Nếu không có CEO, tất cả bọn họ đều cho rằng mình là ứng cử viên cho chiếc ghế đó”.
Đối tác “quay lưng”
Một “hung tin” khác xảy đến với Uber: Daimler, một trong những đối tác chiến lược của công ty đã quay lưng đầu tư sang đối thủ mạnh nhất của Uber trên thị trường Trung Đông.
Tập đoàn mẹ của của hãng xe Mercedes, Daimler, đang lên kế hoạch bơm tiền cho đối thủ lớn nhất của Uber khu vực Trung Đông, công ty Careem tại Dubai. Tuy nhiên, lượng vốn mà Daimler lên kế hoạch đầu tư cho Careem vẫn chưa được tiết lộ. Thương vụ là một phần nằm trong đợt gọi vốn 500 triệu USD của công ty.
Đầu năm nay, Daimler hợp tác cùng Uber trong dự án xe tự lái. Nhà đồng sáng lập của Uber, ông Travis Kalanick từng nhận định lần hợp tác này rất quan trọng đối với tương lai của công ty. Tuy nhiên, mới đây, ông Travis Kalanick đã bất ngờ tuyên bố từ chức.
Trong thời gian gần đây, Uber chìm trong hàng loạt cuộc khủng hoảng truyền thông, và hiện tại công ty vẫn chưa có giám đốc điều hành, giám đốc maketing, giám đốc tài chính hay thậm chí cả chủ tịch. Điều này đã giảm đáng kể động lực phát triển của công ty khởi nghiệp được định giá 68 tỷ USD.
Giá trị của công ty taxi điện tử Careem, đối thủ của Uber tại thị trường Trung Đông, đã chạm mốc 1 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái sau đợt gọi vốn 350 triệu USD từ công ty viễn thông quốc gia Ả-rập Saudi và công ty dịch vụ internet Rakuten.
Xét về quy mô thì Uber vượt xa so với Careem tuy nhiên hãng taxi điện tử khu vực Trung Đông vẫn có sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư lớn. Điển hình là công ty Kingdom Holding, (công ty do hoảng từ Ả-rập Saudi, Alwaleed bin Talal sở hữu) mới đây đã đầu tư 62 triệu USD vào Careem.
Hiện tạ Kingdom Holding sở hữu 7% cổ phần của Careem và có một vị trị trong thành viên ban quản trị. Đồng thời, hoàng tử Alwaleed bin Talal còn nắm giữ 5% cổ phần của Lyft – đối thủ lớn nhất của Uber trên thị trường toàn cầu.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này