
09:39 - 13/12/2019
Tự mình sớm bỏ cuộc chơi
Giới chăn nuôi lại một phen hoang mang trước thông tin bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng nông sản vào năm tới, trong đó có thịt gà.
Theo nội dung dự thảo nghị định 125/2017/NĐ-CP, bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt gà từ 20% xuống 18% ngay trong năm 2020. Còn trong công văn gửi bộ Tài chính, đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này sâu hơn nữa, từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028.
Thuế, công cụ bảo vệ tốt?
Ngành chăn nuôi, trong đó có thịt gà là nhóm mà Việt Nam luôn thực hiện bảo hộ cao nhất trong các cuộc đàm phán thương mại. Nếu buộc phải cắt giảm, thường sẽ thực hiện vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết, vì đây là nhóm hàng liên quan đến công ăn việc làm, đời sống của hàng triệu hộ nông dân Việt Nam. Tuy được bảo hộ thuế, nhưng thực tế chỉ trong vòng khoảng năm năm trở lại đây, sản lượng thịt gà ngoại nhập vào thị trường Việt Nam tăng gấp đôi, chiếm hơn nửa tổng đàn gà nuôi trong nước. Cụ thể, nếu như năm 2014, chúng ta mới nhập về khoảng 100 nghìn tấn thịt gà và phụ phẩm gà các loại, trị giá 103,1 triệu USD, thì qua năm 2015 tăng lên 153,1 nghìn tấn, trị giá 111,1 triệu USD. Lượng gà nhập duy trì ổn định ở mức 122 – 150 nghìn tấn trong ba năm, từ 2016 – 2018, nhưng tăng vọt trong chín tháng đầu 2019, lên đến 215,7 nghìn tấn với kim ngạch hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi sản lượng gà nhập tăng đều hàng năm thì ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc công ty THO, đơn vị nhập khẩu ở TP.HCM, lại nói giá thịt gà nhập khẩu ngày càng có xu hướng giảm. Các năm trước, gà nhập về đến cảng Việt Nam (chưa thuế) dao động khoảng 1 USD/kg, nhưng từ năm 2018 đến nay, giá giảm về dưới 1 USD, do tình hình chăn nuôi ở các nước tốt hơn về năng suất nuôi lẫn giá thành. Tính ra, gà nhập, bao gồm đùi tỏi, đùi góc tư và cánh gà nếu cộng thuế và các chi phí khác chỉ có giá khoảng 20.000 đồng/kg, bán sỉ cho nhà hàng thức ăn nhanh, bếp ăn công nghiệp, quán cơm với giá 28.000 – 30.000 đồng là có lời, mức này chỉ bằng phân nửa so với gà nuôi nội địa.
Về cơ bản, ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ lên tập trung công nghiệp, có áp dụng dây chuyền nuôi và kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, việc phải lệ thuộc gần như hoàn toàn thức ăn nhập khẩu, vốn chiếm 70% giá thành nuôi và con giống, nên chi phí nuôi gà ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước từ 15 – 20%. Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai còn cho rằng, ngành nuôi gà nội địa đang gặp bất lợi do không đẩy mạnh xuất khẩu được, ví dụ phần ức gà trong nước tiêu thụ chậm, nếu đem xuất khẩu sẽ giúp tăng thêm giá trị.
“Thói quen tiêu dùng ở Mỹ, EU hay Brazil sử dụng phần ức gà nhiều hơn nên đùi, cánh và phụ phẩm khác họ xuất vào Việt Nam với giá rất cạnh tranh. Nếu chúng ta làm ngược lại, bán được ức gà cho họ, thì chắc chắn ngành gà sẽ cạnh tranh được!”, vị giám đốc này nói.
Thuế cao lên đến 20%, nhưng gà ngoại vẫn ồ ạt thâm nhập thị trường, thời gian qua gà nội đã và đang thu hẹp đàn, chấp nhận nhường lại sân chơi này cho gà ngoại. Các công ty chăn nuôi gà lớn như C.P, Japfa, CJ, Emivest đều nhìn nhận thị trường thịt gà ở Việt Nam tăng trưởng 10 – 15% mỗi năm, nhưng trước sức ép thịt ngoại có giá ngày càng rẻ nên họ không thể thực hiện chiến lược tăng đàn, thậm chí chấp nhận co cụm, cắt giảm bớt trang trại để duy trì ở mức vừa phải.
Làm gì để sống sót?
Theo thống kê, hiện mỗi tuần các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất khoảng trên dưới 4 triệu con gà, tương đương 140 – 150 triệu con một năm, mức này đã duy trì suốt năm năm nay. “Chúng tôi đã lường trước khó khăn, không đẩy mạnh tăng đàn từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau đó là hiệp định Thương mại tự do với EU đặt ra lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu thịt gà. Ngành chăn nuôi, trong đó có con gà sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, chúng ta phải chuyển đổi nhanh mới thích nghi được!”, đại diện công ty nước ngoài cho hay.
Vậy chuyển đổi đó là gì? Đầu tiên là phải xây dựng lại môi trường chăn nuôi dựa trên quy hoạch vùng nuôi tập trung, cương quyết xoá bỏ nuôi nhỏ lẻ để giảm tối đa rủi ro dịch bệnh. Chỉ có cách nuôi tập trung để giải quyết dứt điểm các loại dịch bệnh làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, như cúm A/H5N1 – Việt Nam đang là quốc gia bị các nước liệt vào danh sách cấm xuất khẩu. Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc công ty De Heus châu Á, nói nếu Việt Nam giải quyết được dịch cúm gà, thì De Heus có thể xuất khẩu ức gà qua các nước châu Âu với giá cao, không những thu về thêm giá trị, mà còn đẩy mạnh năng suất chăn nuôi từ ba lứa gà/năm hiện nay lên năm lứa, giúp giảm chi phí, tăng cạnh tranh. Chuyển đổi thứ hai, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi gia cầm miền Đông, là ở chính khâu phân phối thịt gà. Việt Nam chưa có kênh phân phối từ trang trại đến bàn ăn, qua nhiều khâu trung gian thì giá bán tăng lên, đây cũng là yếu tố dẫn đến không cạnh tranh với gà ngoại được. Ngoài ra, Nhà nước phải kiểm soát nguồn gốc thịt gà nhập, tránh nhập hàng cận đát, quá đát chất lượng kém, có giá rẻ mạt, sẽ giết chết ngành gà nội địa.
Nhiều người chăn nuôi còn cho rằng, hiện Mỹ vẫn đang bảo hộ nhiều mặt hàng thuỷ sản, như áp thuế đối với cá tra, tôm của Việt Nam, nên sẽ không công bằng nếu chúng ta lại “hào phóng” giảm thuế cho họ.
Ngoài thịt gà, Mỹ cũng đề nghị Việt Nam giảm thuế với táo tươi, nho tươi về 0% ngay trong năm 2020; lúa mì, khoai tây chế biến… giảm xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021. Tương tự, thuế NK thịt heo được Mỹ đề nghị giảm từ 25% xuống 18,9% vào 2020 và 0% vào 2027.
Sau khi phân tích, Bộ Tài chính xin ý kiến cho táo, nho tươi giảm từ 10% về 8%; lúa mì từ 5% về 3%; khoai tây từ 13% xuống 12%; thịt heo từ 25% về 22%. Riêng các mặt hàng sữa giảm thuế NK từ 2 – 5%, cụ thể sữa và kem, đã cô đặc, pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác từ 5% xuống 2%; pho mát và sữa đông từ 10% xuống 5%; sữa công thức cho trẻ em từ 10% xuống 7%; chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 15% xuống 10%… Việc giảm thuế lần này cũng nằm trong tính toán cân bằng thương mại với Mỹ.
bài và ảnh Bảo Ngọc (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này