10:17 - 16/10/2017
TS Vũ Thành Tự Anh: 5 trăn trở với ĐBSCL
Trước thềm Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2017, TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã chia sẻ những trăn trở của mình với sự phát triển của khu vực ĐBSCL.
Thứ nhất, khi hình thành các nhóm nghiên cứu, vấn đề đầu tiên bài toán là gì? Bài toán này tôi nghĩ phải đến từ lãnh đạo đồng bằng, các doanh nghiệp và người dân. Những bài toán anh Lê Minh Hoan nói rất đúng, và trường Fulbright đã nghiên cứu, như viêc làm sao nhấn mạnh vào kinh tế nông nghiệp hơn là sản xuất nông nghiệp.
Rồi việc mở rộng hạn điền có thuận lợi và khó khăn như thế nào? Trường Fulbright đang nghiên cứu và sắp triển khai đánh giá hiệu quả thực sự của mô hình cánh đồng lớn. Nghe có vẻ cũ, một số người nghiên cứu rồi, nhưng bài toán chúng tôi nhìn vào thế này.
“Dù Chính phủ có đưa ra chương trình liên kết 4 nhà, chương trình về cánh đồng lớn, nhưng thời điểm hiện nay, tỉ lệ thực hiện cánh đồng lớn là rất nhỏ so với tổng diên tích canh tác”.
Trong khi các nhà làm chính sách nhìn thấy cánh đồng lớn có hiệu quả cao hơn, nhưng sao người dân và DN chưa chọn.
Câu hỏi đặt ra là đứng dưới góc độ hiệu quả kinh tế, chính sách, thể chế… có những rào cản gì và cái này liên quan trực tiếp đến hạn điền. Bởi về mặt thể chế, nếu chúng ta thực hiện được cánh đồng lớn, thì có lời giải gián tiếp cho vấn đề tích tụ ruộng đất.
“Và cũng là lời giải gián tiếp cho vấn đề có thể có cánh đồng lớn mà không nhất thiết phải thay đổi luật đất đai”.
Nếu chúng ta cho giao dịch thương mại đất đai thoải mái sẽ có tích tụ ruông đất. Nhưng trong điều kiện không cho phép mà lại tồn tại được cánh đồng lớn, đó là giải pháp vượt qua rào cản thể chế mà vẫn thực hiện được điều mình muốn, là tích tụ một quy mô đủ lớn để có KHCN, có hiệu quả…
Như thế để thấy rằng, mình biết và mình phải tự cứu mình chứ không trông chờ vào cái khác được…
Thứ hai, khi tiếp cận vấn đề thì cố gắng tìm những vấn đề có hiệu quả thực tế, đo lường được, chứ có những thứ cao siêu, về học thuật thì hay nhưng ko biết có giúp ích gì cho ĐBSCL không.
Khi làm tư vấn chính sách về đồng bằng tôi nghĩ đây là vấn đề sống còn, có nhiều thứ mà nếu mình không làm ngay từ bây giờ sẽ là quá muộn.
Thứ ba, khi nói đến pháp lý nghiên cứu thì việc tổ chức nghiên cứu như thế nào, hình thành các nhóm, điều phối ra sao, sản phẩm cuối cùng, con người, tài chính… nếu không có phương án khả thi thì một năm nữa vẫn là những câu chuyện cũ.
Thứ tư, là tính kết nối giữa các nhà, ta nên bàn với Trung ương, rất nhiều thứ mà chúng ta muốn làm là do TW quyết, như vấn đề cơ sở hạ tầng.
Chi phí logistics cho sản phẩm của ta là vô cùng cao, khoảng 21%. Cái này từng địa phương có kiểm soát, quản lý được về logistics không?. Hay như việc TPHCM muốn làm đường sắt với ĐBSCL, chúng ta phải đánh giá được hiệu quả…
Với vốn tài chính hữu hạn ta nên dồn tất cả để vận động cho đường cao tốc, hay đường sắt, chỉ có thể chọn mà thôi. Những bài toán này phải làm hết sức cụ thể, và ĐBSCL phải bàn với TW.
Bên cạnh đó, việc xây dựng những đập chứa nước, ngăn vùng này vùng kia liệu ta có làm được không…
Thứ năm, nếu ta không có tư duy mới thì ta sẽ không thay đổi được. Vậy tư duy mới và y tưởng mới đến từ đâu?
Quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp
Cá nhân tôi, khi nói về 4 nhà thì quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp. Tại sao như thế. Cái lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là đầu ra, dù năng lực sản xuất không thiếu. Một là chất lượng không cao, hai là giá cao và marketing thị trường thì bấp bênh. Tôi không tin là Chính phủ có thể lo việc này, việc của Chính phủ là tạo điều kiện để chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và giá cả được. Nên chủ lực phải là doanh nghiệp, làm thế nào để họ lo được thị trường để quay lại phần chuỗi. Và việc này chính quyền địa phương cũng không làm được.
Nhưng chính quyền địa phương làm được việc hết sức quan trọng, một là tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm chi phí, hai là tạo ra sự ổn định và có thể tiên liệu được về mặt chính sách, ba là cung cấp cơ sở hạ tầng…
“Địa phương làm được như thế nghĩa là đã dọn được sân cho doanh nghiệp thi đấu, để DN đi bơi không phải đeo thêm một loạt các chi phí, như đeo tạ thi bơi với đối thủ vậy”.
Nhìn vào thành công của quốc tế đều có vai trò quyết định của DN.
Trong chương trình nghiên cứu của ĐH Fulbright mà John Kerry là người khởi xướng, đó là năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời. Năng lượng mặt trời về mặt kỹ thuật làm chi phí giảm đi gần một nửa. Đây có thể là cứu cánh cho ĐBSCL, vì nhiệt điệt không thể giảm chi phí như thế được. ĐH Fulbright sẽ là nơi thực hiện dự án này nếu được triển khai.
Diễn đàn kinh tế Mekong Connect Hội DN HVNCLC phối hợp cùng UBND các tỉnh thuộc mạng lưới ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp),cùng AmCham VN, VTFA tổ chức trong 2 ngày 25 và 26/10, với chủ đề:
PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA KẾT HỢP SỨC MẠNH CÔNG NGHỆ
Quý bạn đọc có thể xem thêm video về thông tin của Diễn đàn Kinh tế Mekong Connect 2017 tại đây
https://www.youtube.com/watch?v=9bbSatTNE10&feature=youtu.be
Và tìm hiểu thêm các thông tin chi tiết về nội dung, thời gian diễn ra các phiên thảo luận và đăng ký tham gia tại đây:
ĐĂNG KÍ NGAY: http://bit.ly/DangKy-Mekong-Connect-2017
Trần Quỳnh ghi
Theo BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này