18:21 - 02/05/2017
Tích tụ ruộng đất, ‘nút thắt’ ở đâu?
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại một hội thảo về phát triển nông nghiệp hồi tháng 9/2016 kể: Nhiều lần ông ngồi máy bay, nhìn xuống đất nước mình, đồng ruộng đẹp quá, chỗ xanh chỗ chín.
Nhưng ông kết luận: “Đẹp thì đẹp thật, nhưng nếu sản xuất thì chết chắc, làm sao sản xuất lớn được?”…
Day dứt của ông Bình cũng chính là day dứt của rất nhiều người quan tâm hoặc làm chính sách nông nghiệp, kể cả các DN tham gia vào nông nghiệp. Bởi rào cản lớn nhất hiện nay đối với sản xuất lớn, cốt lõi của nông nghiệp bền vững, có lẽ chính là tích tụ ruộng đất.
Yêu cầu tất yếu
Mặc dù thừa nhận phải phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhưng ông Bình, một trong những người hiện nay có vai trò chủ chốt trong các vấn đề phát triển kinh tế của Đảng, cũng phải đặt vấn đề tích tụ ruộng đất lên hàng đầu.
Tích tụ ruộng đất không phải là vấn đề bây giờ mới được bàn thảo hoặc chỉ nằm ở những tuyên ngôn về chính sách. Thực tế tích tụ ruộng đất đã được tiến hành ở nhiều nơi, thông qua những cách làm sáng tạo của DN. Bởi nói gì thì nói, áp lực của hội nhập, của việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu đã đặt ra bài toán về tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Bình cũng trong hội thảo nói trên đã thẳng thắn: “Muốn tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Có hai việc cần làm ngay là: tích tụ ruộng đất va phát triển kinh tế hợp tác xã”.
Lý lẽ của ông Bình cũng rất đơn giản: có tích tụ ruộng đất rồi DN mới sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp, có tích tụ ruộng đất thì máy cày mới hoạt động hết công suất, có tích tụ ruộng đất thì mới dùng máy bay để bón phân, tưới nước, mới áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ khác vào nông nghiệp được. “Phải làm lớn”, ông Bình bảo vậy.
Gỡ vướng từ chính sách
Nhưng tích tụ đất đai ra sao khi Việt Nam có tới hơn 11 triệu hộ nông dân? Từng mảnh ruộng đã được chia lẻ từ khi tuyên ngôn “người cày có ruộng” được thi hành triệt để mặc dù Hiến pháp 1946 điều 12 đã long trọng ghi nhận quyền tư hữu tài sản của công dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân có thể là một người tâm huyết và say mê với mô hình hợp tác xã kiểu mới. Nhưng cũng như ông Bình, ông Nhân nhận thấy những khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Bởi với cơ chế “đất đai sở hữu toàn dân” và mỗi hộ một “sổ đỏ” ghi tên các thành viên, việc tích tụ ruộng đất đang thực sự gặp những rào cản ngay từ luật đất đai chứ chưa nói gì tới tinh thần “nhà nước thống nhất quản lý” của Hiến pháp.
Ông Nhân từng đặt ra vấn đề: DN không thể ký hợp đồng với hàng chục nghìn hộ nông dân. Và giải pháp đặt ra là phải có hợp tác xã là pháp nhân đại diện. Nhưng cũng sẽ rất khó bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng chưa đủ để bảo đảm quyền tài sản của người dân đối với đất chứ chưa nói đến vấn đề hạn điền.
Cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ có thể nói là người cả đời lăn lộn với nông nghiệp. Tại một hội thảo về nông nghiệp do Hội Nông dân tổ chức vào tháng 11/2016, ông Ngọ phát biểu những vấn đề thật khác xa với những chuyên gia khi nói về chính sách nông nghiệp, nông dân. “Tôi xin nói thật lòng: Nhiều người còn chưa tin nông dân. Chỉ sợ họ có nhiều đất đai rồi họ lên tư bản; chỉ sợ họ giàu có rồi “thế nọ thế khác”.
Hãy có niềm tin vào họ. Phải cụ thể hóa nghị quyết bằng chính sách, mô hình và tiêu chí để dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát. Làm chủ mà không biết và giám sát thì chỉ làm chủ hờ”. Lúc nói điều này, ông Ngọ tỏ ra rất xúc động đến mức nghẹn lời.
Ông Ngọ là người hiểu sâu sắc và chứng kiến công cuộc “khoán 10” nổi tiếng, gắn với tên tuổi của Bí thư Kim Ngọc. Ông Ngọ coi đó là cuộc cách mạng lần thứ hai của nông nông dân sau cuộc cách mạng tháng 8/1945.
“Nông dân vùng lên đòi làm chủ đất đai, làm chủ sản phẩm… Cuộc tái cơ cấu này thắng lợi vô cùng to lớn. Đất ruộng đủ ăn, xã hội đầy đủ nông sản, nông dân đời sống nâng lên, nở mày nở mặt. Nông dân là chủ thể sáng tạo ra cuộc tái cơ cấu này”, ông Ngọ nói.
Kinh nghiệm từ những biến chuyển trong nông nghiệp đối với nông dân khiến vị cựu Bộ trưởng nông nghiệp này chỉ nhắm một mục tiêu: tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai, sản xuất lớn hay bất cứ kế hoạch, chương trình gì đi nữa, thì mục tiêu cuối cùng phải là đời sống nông dân trở nên tốt hơn.
Khi hướng tới mục đích duy nhất ấy, thì đương nhiên nhân dân sẽ đồng thuận, tích tụ đất đai, dù còn những nút thắt trong chính sách pháp luật, nhưng sự đồng thuận của nông dân sẽ là động lực lớn nhất, là điều kiện thuận lợi nhất để những chủ trương đúng đắn ấy đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng và trở thành nền tảng của phát triển xanh, bền vững.
Khi ấy, chắc chắn nếu có ngồi trên máy bay nhìn xuống đất nước mình, ông Bình sẽ chứng kiến vẻ đẹp sung túc, mỹ mãn của những cánh đồng tít tắp.
Đại Dương
Theo TGTT
Có thể bạn quan tâm
Thu hút FDI: Liên kết cả ‘ngược’ lẫn ‘xuôi’ đều yếu
Làm sao kiểm soát cán bộ công du bằng ‘tiền chùa’?
Kinh tế số, IoT: đừng coi thường an ninh mạng
Điểm đáy hay điểm bắt đầu
Hành trang đưa 6 Ri, Hai Lý bước ra thế giới
Tags:chính sách đất đaihạn điềnmở rộng hạn điềnnguyễn văn bìnhtích tụ ruộng đấttrưởng ban kinh tế tw
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này