14:41 - 22/11/2017
Thuyết phục dân bằng kết quả cụ thể
Tiền của Nhà nước chi ra là tiền đóng góp của dân. Vì vậy phải bảo đảm không được lãng phí, nếu không cứ thêm một đề án, ngành giáo dục lại thêm một lần mất lòng tin của xã hội.
Vừa qua, khi thông tin Bộ GD-ĐT đang dự thảo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, giai đoạn 2018 -2025, tầm nhìn 2030 lọt ra ngoài, xã hội lại thêm một lần xôn xao về những con số.
Con số 12.000 tỷ đồng để đào tạo khoảng 9.000 tiến sĩ trong tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH khiến nhiều người “dị ứng”. Bởi từ trước đến nay, ngành giáo dục với những đề án, chương trình lên đến con số ngàn tỷ đồng luôn khiến xã hội hoài nghi.
Đề án này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên ĐH lên 35%, trong đó sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới; đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài; thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng, bao gồm: 10.200 tỷ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 911 ngày 17-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ; 1.800 tỷ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21%, như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án thì cũng mới đạt được 30%, trong khi mục tiêu là 35%. Bộ trưởng đã giải thích 9.000 tiến sĩ này không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường ĐH để cống hiến… Thế nhưng, dù đã có giải thích đó của bộ trưởng thì dư luận xã hội vẫn không hết hoài nghi và băn khoăn, bởi lẽ làm thế nào để đào tạo sau ĐH nói chung, đào tạo tiến sĩ nói riêng không chạy theo số lượng, đào tạo tràn lan mà tập trung vào chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là đòi hỏi bức thiết của xã hội.
Từ trước đến nay, dư luận đã rất bức xúc vì việc đào tạo tiến sĩ trong nước còn nhiều tồn tại. Thậm chí đã có những “lò tiến sĩ” với hàng loạt đề tài tiến sĩ gây ngạc nhiên. Nhiều người thậm chí mất niềm tin với các tiến sĩ được đào tạo trong nước. Quyết tâm lấy lại lòng tin của xã hội, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ mới với những tiêu chí được cho là “khó nhằn”, để kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng đầu vào cũng như bảo đảm chất lượng đầu ra. Song hành với việc chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ trong nước, Bộ GD-ĐT xúc tiến đề án đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Điểm mới của đề án 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ này là kinh phí nhà nước sẽ không rót về cơ sở đào tạo, mà rót cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ để được nhận học bổng. Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai giành được thì được hưởng để được Nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở. Việc đào tạo cũng sẽ gắn với nhu cầu sử dụng. Tức là trường ĐH có nhu cầu giảng viên là tiến sĩ thì cử người đi học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cam kết lần này sẽ không phải là tình trạng cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động quy hoạch và phát triển đội ngũ, Bộ GD-ĐT hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải đề án là cử đi học, cắt biên chế rồi đi đào tạo xong không về. Như vậy, đào tạo tiến sĩ lần này sẽ khác với cách làm truyền thống. Trách nhiệm của trường ĐH và người học sẽ rất lớn. Đó là cách tiếp cận mới, sẽ đạt hiệu quả cao nếu triển khai chặt chẽ. Vấn đề đặt ra là cách lựa chọn các ứng viên phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, phải gắn kết được trách nhiệm của trường ĐH – nơi sẽ cử ứng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài, để bảo đảm khi kết thúc đề án, chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH Việt Nam phải được nâng lên. Tiền của Nhà nước chi ra là tiền đóng góp của dân. Vì vậy phải bảo đảm không được lãng phí, nếu không cứ thêm một đề án, ngành giáo dục lại thêm một lần mất lòng tin của xã hội.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này