12:41 - 21/04/2018
Thuế tài sản – wealth tax hay thuế nhà đất – property tax?
Thuế tài sản là một loại thuế không phổ biến và còn rất ít nước áp dụng so với thuế nhà đất (hơn 30 nước giàu nhất và đánh thuế cao trong nhóm OECD thì chỉ còn 4 nước áp dụng).
Theo dõi những thảo luận về thuế tài sản hiện tại trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, người viết nhận thấy có một vấn đề nổi bật cần làm cho rõ. Đó là khuôn khổ luật thuế hiện tại là thuế tài sản (wealth tax) hay thuế nhà đất (property tax)?
Tài sản là gì?
Đại diện của cơ quan đề xuất luật cho rằng “hiện có 174 trong số 193 nước, vùng lãnh thổ thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau.
Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội”, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế cho hay.
Theo thông tin này và những thông tin khác do Bộ Tài chính cung cấp, thông tin được nêu ra thực tế là thuế nhà đất nhưng lại được gắn vào một cái “mác” to hơn là thuế “tài sản”.
Thuế nhà đất là loại thuế phổ biến đánh mỗi năm và có thuế suất khá thấp so với các thuế chuyển nhượng tài sản (wealth transfer tax) mà nhiều nước đồng thời áp dụng, hay thuế tài sản ròng (net wealth tax) mà chỉ có vài nước áp dụng, rất không phổ biến.
Thuế nhà đất ở các nước có tính hoàn trả khá gần với người nộp thuế. Chẳng hạn ở Anh đó là thuế chính quyền (council tax) hay đó là thuế nhà đất thường niên (annual property tax) của Canada.
Loại thuế này do chính quyền địa phương thu và tiền thuế được qui định rõ là phải chi cho phúc lợi địa phương như bệnh viện, trường học, cứu hỏa, công an, thu gom rác, xây dựng và sửa chữa đường sá địa phương, chứ không chuyển về trung ương.
Đây là loại thuế như chuyên gia Võ Trí Hảo nhận xét là nếu áp dụng ở Việt Nam thì phải do chính quyền địa phương như Hội đồng Nhân dân quyết định, và không cào bằng giữa các địa phương.
Thế nhưng điểm đáng chú ý là mấy ngày qua, thông tin đưa ra giải thích cơ sở ban hành luật là liên quan đến thuế nhà đất, nhưng cách đánh, gọi tên và cách giải thích thì có xu hướng áp đặt theo quan điểm thuế tài sản (wealth tax).
Nhiều chuyên gia trả lời trên báo chí dường như cũng bị kéo theo quan điểm bình luận về thuế tài sản thay vì thuế nhà đất.
Vấn đề với thuế tài sản nằm ở ba vấn đề chính: kê khai tài sản, định giá và xác định đối tượng áp dụng.
Vấn đề với kê khai tài sản thì khá rõ ràng, vì rất dễ để che giấu tài sản ở nhiều hình thức khác nhau và buộc người khai thuế tuân thủ là một điều gần như bất khả thi theo thực tiễn ở các nước trước đây áp dụng thuế này.
Cuối cùng họ phải bãi bỏ luật thuế này vì hầu như không thể kiểm soát được việc kê khai tài sản một cách hiệu quả và công bằng.
Một ví dụ nổi tiếng là làm sao biết một người giàu có có bao nhiêu viên kim cương, bao nhiêu chiếc xe không đứng tên họ mà được giấu ở một công ty vỏ rỗng xa tít nào đó.
Định giá tài sản cũng là một vấn đề khi mà tài sản không có giá trị thị trường đáng tin cậy để làm cơ sở định giá.
Cuối cùng, đó là khái niệm “tài sản” bao gồm những gì. Những gì đáng được xem là “tài sản” nên bị đánh thuế.
Đây là một vấn đề đáng chú ý của Việt Nam bởi vì liệu người dân có toàn quyền đối với nhà và đất ở của họ hay không mà xếp nó vào loại tài sản nên bị đánh thuế tài sản. Đây là một tranh luận rất nóng ở Trung Quốc năm rồi.
Thuế tài sản thực chất là thuế nhà đất?
Phân tích như trên có thể thấy: thuế nhà đất là phổ biến trên thế giới, thuế tài sản thì không. Vì vậy không thể dùng thông tin về sự phổ biến của thuế nhà đất để hướng đến một khuôn khổ luật thuế tài sản với nhiều loại đối tượng chịu thuế có thể được đề ra ở hiện tại và tương lai.
Nếu áp dụng khuôn khổ thuế tài sản, sau này đối tượng chịu thuế có thể mở rộng ra tới tài khoản ngân hàng của dân cũng được.
Quan trọng hơn, nếu áp dụng khuôn khổ thuế nhà đất như nhiều nước, thì nguồn thu bắt buộc phải nằm lại tại địa phương, do địa phương quyết định và bị yêu cầu chỉ được chi cho công trình công ích, y tế, giáo dục, an ninh của địa phương.
Nhưng nếu áp dụng khuôn khổ thuế tài sản, không còn những ràng buộc này thì những đặc tính hữu ích của thuế nhà đất vì vậy sẽ bị mất đi.
Ngoài ra, cách gọi thuế tài sản cũng khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Có người đi tìm những thông tin về thuế suất chuyển nhượng tài sản đem gắn vào thực tiễn các nước về thuế tài sản, dễ gây hiểu lầm là thuế suất thuế tài sản nước khác rất cao.
Vì vậy, người viết tin rằng cách hợp lý nhất để đem những thảo luận luật thuế này về đúng trọng tâm của nó đó là đặt lại cho đúng khuôn khổ và tên gọi của luật là thuế nhà đất hay thuế bất động sản theo tinh thần thuế đánh vào nhà đất hàng năm của nước ngoài, do địa phương qui định và có tính hoàn trả ở các phúc lợi địa phương.
Theo cách này sẽ kéo luật thuế này về gần với luật thuế nhà đất hàng năm của nhiều nước, tránh gây nhầm lẫn, từ đó dễ cho dư luận so sánh xem so với các nước láng giềng thì đề xuất của Bộ Tài chính có đang đề xuất quá cao hay không, và quan trọng hơn hết là không đi vào xu hướng thuế tài sản ròng vốn rất ít phổ biến ở các nước khác.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên ĐH Bristol, Anh (theo Tuổi Trẻ)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này