11:53 - 14/03/2023
SIM rác hoành hành
Vấn nạn lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi rác có dấu hiện gia tăng từ đầu năm 2023, với tần suất, sự tinh vi, mức độ táo tợn ngày càng hơn trước. Mới đây, chiêu thức “có con đang cấp cứu” đã xuất hiện ở TP.HCM và đang lan ra cả Hà Nội.
Cụ thể, cơ quan công an liên tục nhận được tin báo của nhiều phụ huynh học sinh về việc bị lừa đảo bằng chiêu trò gọi điện báo “có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền” xảy ra trên địa bàn trong vài ngày trở lại đây. Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM cho biết, ngay sau khi nhận thông tin về việc nhiều phụ huynh bị lừa đảo “con cấp cứu ở viện, phải chuyển tiền”, Phòng PC02 đã cử các điều tra viên cao cấp phối hợp các phòng nghiệp vụ của Công an TP.HCM và công an các địa phương lấy lời khai những phụ huynh bị lừa để điều tra.
Bước đầu, công an xác định các đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên, thầy cô giáo của nhà trường thông báo về trường hợp con của phụ huynh bị té ngã, phải vào bệnh viện cấp cứu điều trị, cần phụ huynh chuyển tiền gấp rồi chiếm đoạt.
Theo Phòng PC02, phần lớn các vụ lừa đảo qua mạng rất khó điều tra do các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài, sử dụng số điện thoại đầu số lạ. Số tài khoản nhận tiền của nạn nhân là tài khoản tội phạm mua để sử dụng. Hoặc khi nạn nhân báo cơ quan chức năng thì các đối tượng chuyển tiền đã chiếm đoạt qua tài khoản khác. Công an TP.HCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý việc mở tài khoản.
Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng, nên các đối tượng sử dụng sim rác, CMND giả hoặc thuê người khác mở tài khoản để nhận tiền lừa đảo. Cơ quan chức năng cảnh báo, đối với loại tội phạm lừa đảo, việc chính yếu vẫn là phòng ngừa. Vì thế, mỗi người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước các cuộc gọi từ người lạ.
Vì sao khó xử lý triệt để?
Những năm gần đây khi có sự xuất hiện của các nền tảng cung cấp dịch vụ truyền thông trên internet miễn phí khiến doanh thu từ dịch vụ truyền thống của nhà mạng gồm cuộc gọi và tin nhắn giảm mạnh. Dù vậy, theo ước tính từ cơ quan chức năng, doanh thu từ các dịch vụ viễn thông di động cơ bản vẫn chiếm tới 60 – 70% số thu hàng năm.
Trong doanh thu viễn thông cơ bản thì dịch vụ trả trước cũng chiếm đến 70%, còn lại là trả sau. Tất cả SIM không chính chủ hay còn gọi là SIM rác đều sử dụng dịch vụ trả trước vì chỉ sử dụng vài ngày, một tuần là bỏ.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Trung tâm an ninh mạng Athena, cho rằng các nhà mạng đang kinh doanh nên bản thân họ sẽ không thể mạnh tay “chặt đứt” nguồn thu từ việc bán SIM điện thoại. Vì khi bán được SIM đồng nghĩa sẽ phát sinh doanh thu từ cuộc gọi hay tin nhắn. Đặc biệt, các cuộc gọi lừa đảo đều xuất phát từ SIM rác bởi hiện nay, các ứng dụng miễn phí như Viber, Zalo… đa số đều có chức năng chặn tin nhắn, cuộc gọi từ số lạ.
“Vì vậy những kẻ lừa đảo sử dụng SIM rác trong vài ngày sẽ không thể gọi điện thoại hay nhắn tin thông qua các dịch vụ miễn phí cho các đối tượng mục tiêu nên chỉ có thể gọi thông thường. Số lượng gọi càng nhiều sẽ đóng góp doanh thu cho nhà mạng càng lớn”, ông Võ Đỗ Thắng chia sẻ. Vị chuyên gia này cho biết, đã có nhiều quy định cũng như giải pháp công nghệ mà Bộ TT-TT và nhà mạng đã công bố khi nhắc đến SIM rác. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề kiểm tra xử phạt đến mức độ nào? Theo ông Thắng, mức xử phạt hiện vẫn chưa đủ sức răn đe, hay nói cách khác mức phạt quá thấp, không đáng kể so với nguồn doanh thu phát sinh từ SIM rác.
Cụ thể, theo Nghị định 49/2017, mức phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khi có phát hiện hành vi bán, lưu thông SIM được kích hoạt sẵn.
“Mức xử phạt này theo tôi là còn thấp nếu so với số tiền họ thu được từ việc bán SIM rác, Nên chăng cần bổ sung thêm các mức phạt bổ sung. Ví dụ khi phát hiện sai phạm có lưu hành SIM rác đến lần thứ ba trở lên thì không những điểm bán và nhà mạng bị phạt tiền mà còn phải bị cấm kinh doanh SIM trong một khoảng thời gian như 3 tháng. Hy vọng như vậy thì các nhà mạng mới mạnh tay kiểm tra và giám sát chặt hơn các cửa hàng, đại lý kinh doanh để giảm được nạn SIM rác tràn lan hiện nay”, ông Thắng nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Sim rác, cuộc gọi rác sở dĩ tồn tại dai dẳng bởi vì họ có động lực về kinh tế, nếu bị cắt những cuộc gọi rác, tin nhắn rác thì nhà mạng sẽ bị cắt một doanh thu rất lớn. Trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ mạng, họ có thể đặt những phần mềm, công cụ để lọc bớt các tin rác và cuộc gọi rác”.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết sim rác, cuộc gọi rác. Các cuộc thanh kiểm tra vẫn thường xuyên diễn ra. Thế nhưng, nếu vẫn có sự tiếp tay từ các đại lý và sự thiếu quyết liệt của các nhà mạng thì cuộc chiến với sim rác còn chưa có hồi kết và những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo… vẫn còn tiếp tục quấy nhiễu người dân.
Theo Nguyễn Giang/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này