Vì vậy, giờ đây một trong những “việc cần làm ngay” là tiếp tục rà soát các văn bản, quy định khi vận hành theo Nghị quyết 98 mà còn vướng quy trình, thủ tục (kể cả sau khi có Nghị định 84 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM).
Đồng thời, một mặt vừa tổng kết quá trình 40 năm Đổi mới, đúc rút những bài học – kinh nghiệm cả trong thời gian gần đây khi triển khai các nghị quyết như Nghị quyết 24 (của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Nghị quyết 31 (của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Nghị quyết 98…; mặt khác cần tích hợp Nghị định 84 theo 8 lĩnh vực, vấn đề thành Cẩm nang hướng dẫn để các sở ngành tham khảo, tham chiếu quy trình, làm kim chỉ nam thực hiện, nhất là các lĩnh vực xây dựng, thu hút đầu tư, tài nguyên môi trường, huy động vốn…
Hơn nữa, quá trình thúc đẩy thực thi có thể áp dụng cơ chế “khuyến tài” theo tinh thần của Kết luận số 14 của Bộ Chính trị kết hợp vận dụng các điểm mở, điểm mới trong Nghị quyết 98 để giải quyết dứt điểm các tồn đọng kéo dài, những dự án treo trong nhiều năm, kể cả đang vướng mắc pháp lý. Cụ thể như với 3 “đơn hàng” đã treo qua nhiều nhiệm kỳ đang rất cần được “thanh lý” dứt điểm là tồn đọng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ngân hàng SCB và dự án chống ngập. Nhìn rộng ra, sẽ thấy ở đó là nguồn lực con người lẫn… vốn liếng đã và đang bị kìm hãm, nếu khơi thông “trúng mạch”, kịp thời thì sẽ tạo nên dòng chảy luân lưu lành mạnh trong hệ thống hạ tầng, kinh tế, con người.
Khi biên độ pháp lý càng mở thì cùng lúc trong thực tiễn sẽ được áp dụng và huy động nguồn lực bằng nhiều kênh khác nhau, từ nguồn lực đầu tư công đến việc thí điểm các mô hình hợp tác công – tư, công – công; nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa.
Trong tình hình biến động phức tạp của địa – chính trị – kinh tế toàn cầu, yêu cầu đặt ra là vừa tận dụng thời cơ hiếm hoi vừa phải chủ động xây dựng nhóm chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Cần tập trung từng bước, tức lượng hóa theo từng công đoạn, ra được sản phẩm cụ thể để tăng tính thuyết phục, tiếp tục mời gọi đầu tư với các dự án, những công trình, hoạt động liên quan đến hạ tầng số, giao thông xanh, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, kết hợp với Chỉ thị 12 của UBND TP.HCM về 7 nhóm giải pháp tăng trưởng kinh tế của thành phố, nhất là nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy xây dựng, phê duyệt và triển khai nhanh Đề án giảm khí thải giao thông của TP.HCM. Trong đó lưu ý, qua nghiên cứu thực tiễn tại nhiều quốc gia và các ý kiến đóng góp tại hội thảo về đề tài này do HĐND TP.HCM vừa tổ chức thì để phát triển giao thông xanh cần có sự lựa chọn vùng đại diện, làm điểm để tạo vùng lõi lan tỏa ra các khu vực xung quanh, vùng phát thải thấp. Và rõ ràng, huyện Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất để chọn làm thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng và chính sách khuyến khích người dân sử dụng, chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện, xe đạp điện…
Một lần nữa, có thể xem đây như điểm khởi đầu của thời kỳ Đổi mới lần thứ hai mà TP.HCM là một trong hai cực động lực tăng trưởng quốc gia. Kể cả về phương thức lãnh đạo, cơ chế vận hành, điều chỉnh quy hoạch tổng thể cho đến tái cấu trúc các trụ cột kinh tế chủ lực, thị trường lao động… đều đang hội đủ các điều kiện – thông qua các nghị quyết dẫn đường để TP.HCM tiến vào “kỷ nguyên vươn mình”.
Hơn một năm triển khai Nghị quyết 98 cũng là thời gian TP.HCM từ bước đầu phá những rào cản, vượt qua chính mình đến chủ động, quyết liệt vào cuộc vì cuộc sống của người dân, doanh nghiệp và đó là trách nhiệm cao nhất của thành phố với cả nước.
Theo Nguyễn Quân Cát/SGGP
Ngày đăng: 28/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này