10:59 - 08/09/2017
Nhập khẩu giáo dục khó là áo mới
Nhập khẩu các chương trình học ở những nước tiên tiến hiện đang là “xu hướng” của nền giáo dục Việt Nam.
Điều này không phải mới đây như việc bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa chứng kiến với bộ trưởng bộ Giáo dục và văn hoá Phần Lan Sanni Grahn-Laasonen về việc ký kết 18 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học và trung học của Việt Nam, một lần nữa lại dấy lên những tranh luận về việc này.
Có một câu chuyện nhỏ nhưng đáng để chúng ta ngẫm nghĩ. Một cô giáo trường ngoại khoá T. kể lại rằng, đứa trẻ ở tuổi mầm non đến trường của cô lúc ban đầu, được thụ hưởng môi trường giáo dục cởi mở, các em đều được hoà đồng cùng chơi cùng học với các bạn. Các em được cô giáo khuyến khích nói ra những điều mình muốn, mình thích, v.v. và có quyền nói rằng cô giáo sai, chỉ khi cô giáo chứng minh điều cô nói là đúng với giải thích thuyết phục, các em mới “chịu”. “Nhưng chỉ sau hai năm học ở trường tiểu học, về lại trường T. để học ngoại khoá, các em trở nên thụ động và như là… một người khác vậy”, cô giáo kể lại. Cô cho rằng môi trường giáo dục, ngay từ đầu, phải có điều kiện tiên quyết: triết lý giáo dục nào: tự chủ, tôn trọng tự do tính cách hay khuôn mẫu. Có điều đó mới có những phương pháp giáo dục thích hợp vận hành để đào tạo ra con người cho một xã hội phù hợp.
Đó là lý do thứ nhất mà cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa tìm ra một triết lý giáo dục thật sự để tạo ra một môi trường giáo dục dựa trên cơ sở đó cho các thế hệ tương lai Việt.
Thứ hai, việc chắp vá, đào tạo gấp, đào tạo nâng cao theo kiểu tuyển đầu vào sinh viên sư phạm rất thấp. Sau một thời gian cũng ra trường, nhưng khi đi làm thầy cô giáo thì bị học trò thế hệ sau này nó “phản biện”, thì ngay lập tức dùng đến “quyền cho điểm” để “trù dập”. Sau khi bị phụ huynh và truyền thông phàn nàn, lúc đó mới vội vàng tìm các lớp “nâng cao” cho các giáo viên này. Những người làm “kỹ sư tâm hồn” mà việc học hỏi và kiến thức cũng bị thiếu trước hụt sau, lại không yêu nghề nên “đụng đâu dạy đó” sẽ khiến học sinh ngày càng chán nản, bất tuân phục và đặc biệt là trong những trường hợp cha mẹ dùng tiền để mua điểm cho con được sự đồng thuận của thầy cô, lại càng làm cho hình ảnh nhà giáo trong cộng đồng xấu đi.
Thứ ba, sự phát triển của công nghệ thông tin, các trung tâm tiếng Anh ngày càng đông học sinh nhỏ đã tạo ra một lớp học trò khác hẳn ngày trước. Cha mẹ càng đầu tư cho con cái bằng các khoá học bên ngoài, khi vào trường học thật sự, các em càng thấy xa lạ và có phần “coi thường” thầy cô nếu các em nhận ra thầy cô thiếu kiến thức. Điều này lại càng tạo khoảng cách và những “tiêu cực” trong ngành giáo dục cũng bắt đầu từ đây. Mối quan hệ với thầy cô với cha mẹ và học sinh đơn thuần là “trao đổi” chứ không còn tương tác, chia sẻ trên tinh thần “tôn sư trọng đạo” như xưa nữa. Ngoài ra, những kiến thức cơ bản về “đối thoại”, “tranh luận” nếu không được xác lập dựa trên nền tảng văn hoá và sự hiểu biết, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường khi học sinh cho rằng thầy cô “không đủ trình độ” để dạy chúng, còn ở phía thầy cô thì cho rằng học sinh hỗn láo, dám cãi thầy cô, v.v.
Sở dĩ tôi đưa ra những hiện thực này để bắt đầu câu chuyện “nhập khẩu” các mô hình giáo dục của các nước tiên tiến vào Việt Nam trong thời gian qua và hiện nay, phần lớn đều thất bại. Khi cái gốc chưa được xây, thì chắp vá cỡ nào cũng chỉ là mảnh vá chứ không phải là một cái áo mới thực sự cho nền giáo dục Việt Nam.
Nguyễn Sanh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này