
23:11 - 19/02/2018
Năm mới nói chuyện đổi mới cách nghĩ và làm
“Phải đề cao trách nhiệm của người dân với vận mệnh của chính mình. Chính quyền sẽ không triển khai thay cho người dân nữa. Người dân phải tự nghĩ, tự làm và tự hợp tác, chia sẻ với nhau. Chính quyền chỉ đứng phía sau ‘khơi gợi’ để hiệu triệu, truyền cảm hứng”, theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Ủy Đồng Tháp.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu người nông dân tự bằng lòng, doanh nghiệp và chính quyền cũng tự bằng lòng với hiện tại, không chịu đổi mới thì đồng nghĩa với việc thời điểm báo “chết” đã tới. Ảnh: Trung Chánh.
Mở đầu câu chuyện trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới, ông Hoan nói kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 là một điều kỳ diệu so với những dự báo đầu năm. Thế nhưng, ông dẫn câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: với một Đảng quang vinh, một dân tộc anh hùng mà thu nhập bình quân đầu người chỉ có 2.300 đôla Mỹ thì có gì vui?
“Phải thấy đó là nỗi buồn của một đất nước”, ông nói.
Đối chiếu với thực tế của Đồng Tháp, ông Hoan nói rằng, khi trò chuyện với cộng đồng, với hội nghị cán bộ chủ chốt của địa phương, dù có những lời phát biểu ca ngợi, có những điểm sáng này, điểm sáng nọ… nhưng thu nhập bình quân đâu người của địa phương chỉ gần 1.700 đôla Mỹ, thì có gì mà vui?
Từ thực tiễn như vậy, ông luôn thôi thúc địa phương phải thay đổi, cả người nông dân và doanh nghiệp cũng phải thay đổi. “Đó là điều Đồng Tháp đang làm”, ông nhấn mạnh.
Ông Hoan cho biết rất vui khi hàng ngày nhận được email của nhiều nông dân trong hội quán nông dân (do tỉnh Đồng Tháp xây dựng), thể hiện ý chí muốn thay đổi, muốn có cách làm mới.
Tính đến nay, Đồng Tháp đã xây dựng được 32 hội quán nông dân. Đây chính là nền tảng tạo lập sự thay đổi cho những người nông dân, giúp họ vượt qua những “lỗi thời” trong nền quản trị – vốn vẫn còn dư âm của “mệnh lệnh” áp từ trên xuống dưới mà người nông dân phải thực hiện.
“Bây giờ, ở hội quán người dân phải tự chăm lo cho mình. Hội quán là không gian cộng đồng mà ở đó người nông dân tự quản, tự nguyện, tự lực chăm lo cuộc sống”, ông cho biết.
Cho rằng người nông dân phải thật sự là người chủ chứ không phải là người “ở trọ” của xóm làng và trách nhiệm dồn hết cho Nhà nước, Bí thư tỉnh Đồng Tháp đề cao trách nhiệm của người dân với vận mệnh của chính mình.
“Chính quyền sẽ không triển khai thay cho người dân nữa. Người dân phải tự nghĩ, tự làm và tự hợp tác, chia sẻ với nhau. Chính quyền chỉ đứng phía sau ‘khơi gợi’ để hiệu triệu, truyền cảm hứng”, ông nhấn mạnh.
Từ những câu chuyện sinh hoạt trong hội quán, ông Hoan cho biết người dân đã bắt đầu hiểu nhau, hợp tác, đoàn kết với nhau. Lần lượt các hợp tác xã đã ra đời trên nền tảng của hội quán. Chính bà con “chấp bút” viết lên phương án thành lập hợp tác xã dưới sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn.
Tuy mỗi hội quán chỉ có vài chục người tham gia, nhưng đó chính là những người hiểu biết, muốn thay đổi. Cùng với đó, Đồng Tháp cũng hỗ trợ người nông dân trong hội quán tiếp cận với tri thức, các công ty viễn thông hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng để internet về đến hội quán.
“Doanh nghiệp tặng máy tính, màn chiếu để bà con sinh hoạt. Chẳng hạn, hội quán chiếu phim nông nghiệp xứ mình, nông nghiệp xứ người…để bà con nông dân xem, tự so sánh, giúp họ biết mình đang ở đâu trong nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh”, ông chia sẻ.
Phương pháp so sánh này cũng giúp người nông dân thấy rằng người tiêu dùng trong nước đang mất niềm tin vào chất lượng nông sản do chính họ làm ra như thế nào. Những điều đó sẽ đánh động vào tâm thức của bà con nông dân, khiến họ phải thay đổi nếu muốn tồn tại trong bối cảnh sản phẩm ngoại nhập tràn vào các kệ hàng trong nước.
“Đó là câu chuyện nông nghiệp mà tôi hy vọng rằng chúng ta nên chú ý”, Bí thư tỉnh Đồng Tháp nói.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này