10:12 - 31/05/2018
Một phiên toà nhiều khuất tất
Hiếm có phiên toà nào về ngành y lại thu hút sự quan tâm của công luận như vụ chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình.
Sự quan tâm không chỉ vì đó là thảm hoạ y khoa, mà còn vì mỗi ngày của phiên toà trôi đi lại có thêm nhiều sự thật được phơi bày.
Quá nhiều sự thật bẽ bàng được tiết lộ. Tại phiên toà giờ đây người ta mới biết được trong suốt bảy năm trời hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo, lãnh đạo bệnh viện đa khoa Hoà Bình không ban hành bất kỳ quy trình chạy thận, cũng như quy trình quản lý chất lượng nào về nguồn nước RO.
Thế nhưng tiết lộ này chưa là gì so với một tiết lộ khác, là mãi đến năm 2016 bệnh viện mới được sở Y tế Hoà Bình cấp phép hoạt động lọc máu về chạy thận nhân tạo. Vậy là trong sáu năm trước đó, bệnh viện xem như đã lọc máu “bất hợp pháp”. Không thể hiểu nổi, vì bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình là bệnh viện công lập lớn nhất tỉnh. Lẽ ra mọi thứ ở đó phải chuẩn mực để những đơn vị y tế khác trong tỉnh noi theo, nhưng đàng này…
Vào trang web của bệnh viện tìm hiểu, người ta cũng biết như mọi bệnh viện khác trên cả nước, bệnh viện tỉnh Hoà Bình có phòng quản lý chất lượng và hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện đúng theo quy định của bộ Y tế. Nhưng lập ra một chuyện, hoạt động quản lý chất lượng đúng nghĩa có lẽ là chuyện khác. Như thế mới có những “sự thật” nêu trên, và phải chăng đó chính là căn nguyên sâu xa dẫn đến việc chín con người tử vong sau lọc thận?
Nhưng một trong những sự thật kinh hoàng nhất được tiết lộ, đó là trong phiên toà chiều ngày 28/5, chính luật sư Nguyễn Danh Huế, đại diện của bệnh viện, cho biết mức giá chạy thận ở đây lên đến 7,7 USD/ca, trong khi giá chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai và nhiều nơi khác chỉ từ… 3,5 – 4 USD/ca.
Ông Huế gọi đây là “một điều hết sức vô lý”, vì Hoà Bình là tỉnh miền núi, bệnh nhân phần lớn là người nghèo, dân tộc thiểu số; nhưng khi chạy thận lại phải chịu mức giá gấp đôi so với những nơi khác. Ông đặt vấn đề: “Có rất nhiều nghi vấn. Bởi theo nghị định của bộ Y tế, khi liên doanh, liên kết, yếu tố đầu tiên đặt ra là hiệu quả. Trong khi chúng tôi tìm hiểu đơn nguyên thận nhân tạo lại luôn lỗ. Phải chăng có những nhóm lợi ích hoành hành trên nỗi đau của các bệnh nhân?”.
Tuy nhiên, cũng lạ vì trong suốt thời gian đó, các hoạt động kiểm tra định kỳ bệnh viện này hàng năm của các đơn vị quản lý (bộ Y tế, sở Y tế… ) vẫn diễn ra với những kết luận hết sức tốt đẹp, và những khuất tất trên không hề được phát hiện. Phải chăng vì hoạt động đó được làm một cách xuê xoa bởi người ta nể nang nhau, hay chúng được che giấu quá kỹ, hoặc vì một lý do tế nhị nào khác chưa được làm rõ, mà mọi chuyện cứ trôi đi đến một ngày những bệnh nhân bị cướp đi sinh mạng một cách oan uổng?
Cho đến ngày 28/5, phiên toà xét xử vụ án tử vong ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình vẫn chưa kết thúc, nhưng với bấy nhiêu sự thật được phơi bày đó (và còn nhiều sự thật khác), phiên toà đang dần đi đến bế tắc. Lý giải theo luật sư Nguyễn Danh Huế, vì ngay từ đầu người ta đã xác định sai tư cách những người tham gia tố tụng, số lượng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhiều, những chuyên gia có thể làm sáng tỏ những vấn đề pháp lý không được nói hoặc không được toà mời đến, và còn nhiều “lỗ hổng” trong quy trình khám, chữa bệnh.
Còn bao nhiêu sự thật động trời sẽ được tiết lộ trong những ngày tới? Không ai biết được, nhưng dù sao đi nữa những ai theo dõi phiên toà đều mong nó được xét xử một cách thuyết phục, theo như đề đạt của bác sĩ Hoàng Công Lương, người bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ việc. Đó là “xét xử công khai, minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật; đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”.
Nếu đúng theo tinh thần đó, bộ Y tế phải có trách nhiệm, vì trước đó cơ quan này không ban hành bất kỳ quy trình nào về lọc máu chạy thận nhân tạo cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. “Mất bò mới lo làm chuồng”, mãi đến nửa năm sau nhà quản lý mới xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động này. Bộ Y tế và sở Y tế cũng phải chịu trách nhiệm, vì dù năm nào cũng tiến hành kiểm tra nhưng lại không phát hiện ra những sai sót nêu trên.Và đặc biệt, nguyên giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương, phải có mặt để làm rõ những trách nhiệm của mình khi để xảy ra hàng loạt khuất tất và dẫn đến thảm hoạ.
Khi nào những trách nhiệm này chưa được làm rõ và khi những cá nhân có liên quan còn chưa được “đụng” đến, thì phiên toà xét xử vụ tử vong chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình vẫn không làm công luận “tâm phục”, “khẩu phục”. Nhưng quan trọng hơn hết, nói theo luật sư Nguyễn Danh Huế, kết quả của phiên toà này sẽ quyết định rất lớn đến “bức tranh” của ngành y tế, cũng như liên quan đến không gian và môi trường của bác sĩ ở bệnh viện Việt Nam trong tương lai.
Thật vậy, kết quả tốt đẹp nhất từ phiên toà này phải là việc từ nay nhân viên y tế được bảo vệ bởi hành lang pháp lý rõ ràng; phải là việc không còn những thảm hoạ y khoa tương tự xảy ra ở bất kỳ nơi nào, không chỉ trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo mà cả những lĩnh vực khác; và phải là việc người dân, dù ở vùng miền nào trên cả nước, cũng được chăm sóc sức khoẻ một cách bình đẳng về chất lượng.
Bình Yên (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này