Nếu nhìn vào thực tế chi phí sản xuất điện ở nước ta thì câu chuyện tăng giá điện vẫn có thể lặp đi lặp lại trong thời gian tới, nếu tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay. Bởi, giá điện tăng nhưng chi phí sản xuất điện cũng không ngừng biến động, trong khi nguồn điện trong nước vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhiên liệu giá đắt (nhiệt điện luôn chiếm tỷ lệ áp đảo). Thành ra, giá bán cứ liên tục phải đuổi theo chi phí sản xuất.
Giải pháp cho vấn đề này, hiện mỗi nước có cách làm riêng. Tại Hàn Quốc, chi phí sản xuất điện trong năm 2022 cũng tăng mạnh, lên tới 20 cent/kWh, trong khi giá bán lẻ chỉ có 9 cent/kWh, gây ra thua lỗ nặng nề cho Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc.
Các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản có cách tiếp cận khác. Giá bán điện tại Mỹ trung bình đạt 14 cent/kWh, thường cao hơn hoặc bằng chi phí sản xuất, giúp các công ty điện lực duy trì lợi nhuận. Tại Nhật Bản, dù chi phí sản xuất cao do phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu, vẫn duy trì giá bán khoảng 25 cent/kWh, đảm bảo tài chính bền vững cho doanh nghiệp.
Một trong các giải pháp mà Đức và Thụy Điển áp dụng là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Do chi phí đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt vào hạ tầng và công nghệ lưu trữ, vẫn khiến giá điện của Đức thuộc hàng cao nhất thế giới, đạt tới 52 cent/kWh.
Dù vậy, các quốc gia này vẫn chọn năng lượng tái tạo như một giải pháp dài hạn để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng tái tạo có thể không giúp giảm chi phí ngay lập tức, nhưng đóng vai trò quan trọng vào việc giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và ổn định thị trường năng lượng trong tương lai.
Với Việt Nam, để giải bài toán giữa chi phí và giá bán, chúng ta cũng cần rà soát, đánh giá lại chính sách hỗ trợ giá điện. Thay vì cố gắng áp dụng mức giá điện thấp cho mọi đối tượng, thì chỉ nên tập trung hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp. Cũng cần xem lại mức giá hỗ trợ của điện sinh hoạt cho điện sản xuất, đảm bảo các cơ sở sản xuất có động lực thay đổi công nghệ sử dụng điện tiết kiệm hơn.
Trong dài hạn, không chỉ là điều chỉnh giá bán, mà cần kết hợp giữa đầu tư cho năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả quản lý và tiếp tục mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia (hiện tư nhân mới tham gia ở khâu sản xuất điện).
Thực tế là EVN vẫn đang nắm quyền kiểm soát trong cả khâu sản xuất và phân phối điện nên làm giảm khả năng tối ưu hóa chi phí và tăng hiệu quả dịch vụ. Việc mở rộng quyền tự do tham gia vào cả sản xuất và phân phối tại Việt Nam sẽ là hướng đi để giảm độc quyền, tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý cho ngành điện.
Theo Văn Phúc/SGGP
Ngày đăng: 15/10/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này