
15:49 - 13/12/2019
Kinh tế số của Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam
Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu IDC, khoảng 51,3% GDP của Trung Quốc vào năm 2030 sẽ đến từ xu hướng số hóa.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang đẩy mạnh số hóa các hoạt động kinh doanh, dự báo của IDC chỉ ra, tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc vào năm 2025 sẽ sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Các chuyên gia của IDC cũng nhận định, vai trò của các Giám đốc công nghệ thông tin trong doanh nghiệp sẽ trở nên quan trọng hơn, trong khi nhu cầu đối với đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực an ninh kỹ thuật số cũng gia tăng.
Trước đó, một báo cáo của IDC và công ty công nghệ thông tin Trung Quốc Inspur cho thấy mức chi tiêu của các doanh nghiệp nước này cho quá trình chuyển đổi số hóa đã vượt ngưỡng 51% tổng chi tiêu dành cho công nghệ thông tin trong năm 2019.
Có thể thấy, Trung Quốc đang sở hữu những tiềm năng to lớn trong việc trở thành một nền kinh tế số toàn cầu. Quốc gia này sở hữu một trong những hệ sinh thái đầu tư và khởi nghiệp kỹ thuật số tích cực nhất trên thế giới; đồng thời, Trung Quốc nằm trong top ba thế giới về đầu tư vốn mạo hiểm vào các loại công nghệ kỹ thuật số quan trọng, bao gồm thực tế ảo, xe tự hành, in 3-D, robot, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh đó, cường quốc châu Á cũng là thị trường thương mại điện tử lớn nhất khi chiếm hơn 40% giá trị giao dịch thương mại điện tử trên toàn thế giới khi sở hữu một lực lượng lớn người dùng trong lĩnh vực thanh toán di động với giá trị giao dịch lớn hơn 11 lần giá trị giao dịch của Mỹ. Cùng với đó, một trong ba kỳ lân công nghệ thế giới là doanh nghiệp Trung Quốc.
Giám đốc IDC phụ trách thị trường Trung Quốc Kitty Fok nhận định Trung Quốc đang trên đà phát triển nhanh về số hóa, trong khi các doanh nghiệp nước này sẽ triển khai những chiến lược định hướng để sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai.
Có thể thấy, việc sở hữu thị trường với quy mô lớn hơn và dân số trẻ cho phép quốc gia này đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các mô hình kinh doanh kỹ thuật số trên quy mô lớn một cách nhanh chóng. Năm 2016, Trung Quốc đã đạt 731 triệu người dùng Internet, nhiều hơn cả Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ cộng lại.
Ngoài quy mô, sự nhiệt tình đối với các sản phẩm kỹ thuật số trong nước đã tạo điều kiện cho việc đổi mới và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ liên tục thử nghiệm các sản phẩm mới. Điều này đã giúp các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh hơn.
Mặt khác, một trong những lý do thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số của Trung Quốc đến từ các chính sách của chính phủ. Quyết định bảo hộ thị trường công nghệ số đã tạo cho doanh nghiệp trong nước vị thế độc quyền và mở ra một không gian lý tưởng cho các doanh nghiệp này chiếm lĩnh thị trường công nghệ đầy tiềm năng trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Nhìn chung các quy định quản lý của chính quyền tương đối lỏng trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn từ 2003 -2016, các sản phẩm liên quan đến thương mại và thanh toán online đều có khoảng 5 -11 năm không bị ràng buộc quy định của nhà nước, chẳng hạn về mức trần chuyển khoản tiền mặt qua internet, giải quyết khiếu kiện của khách hàng khi mua hàng online. Điều này giúp cho các doanh nghiệp công nghệ số có cả không gian và thời gian để thử nghiệm và phát triển sản phẩm và thị trường.
Nhìn chung, điều này mang lại cơ hội đáng kể nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực mới, vẫn còn nhiều thách thức để tiếp tục số hóa nền kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, mức độ số hóa giữa các tỉnh, thành phố của Trung Quốc và giữa các ngành cũng đang ở mức khác nhau, phản ánh sự phát triển không đồng đều. Ví dụ, tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nền kinh tế kỹ thuật số chiếm gần 45% GDP, trong khi ở tỉnh miền trung Trung Quốc như Hà Nam, quy mô nền kinh tế số chỉ chiếm 15% GDP…
Hàm ý cho Việt Nam
Trên thực tế, các chuyên gia nhận định trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam cần nhìn nhận là còn khoảng cách lớn so với các quốc gia trên thế giới. Đánh giá như vậy để chính phủ và các doanh nghiệp có thể lựa chọn đúng lĩnh vực cần phát triển trước. Ví dụ, Trung Quốc dường như có sự lựa chọn đúng khi đi vào mảng thương mại điện tử, là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ vừa phải, rồi mới tiến đến các lĩnh vực khó hơn như AI, Robot.
Mặt khác, Việt Nam cũng đang sở hữu những doanh nghiệp công nghệ dẫn dắt quy mô lớn, có triển vọng phát triển ngang tầm quốc tế, nhưng chưa đạt được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ như Trung Quốc.
Theo Chuyên đề về phát triển kinh tế số của Việt Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra, Việt Nam cũng cần phải tạo lập hệ sinh thái toàn diện cho doanh nghiệp phát triển, người tiêu dùng được trở thành trung tâm của các sản phẩm, dịch vụ, và đội ngũ lao động được đào tạo để tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
“Như vậy, vai trò của thị trường vốn, hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, thể chế pháp luật và các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, sự sẵn có của các viện nghiên cứu và phát triển công nghệ, trao đổi hợp tác giữa các trường đại học là rất quan trọng”, chuyên đề nhấn mạnh.
Theo Cẩm Anh/DĐDN
https://enternews.vn/kinh-te-so-cua-trung-quoc-va-ham-y-cho-viet-nam-163160.html
Có thể bạn quan tâm
Làm gì để không lặp lại ‘thập kỷ mất mát’ đối với kinh tế Việt Nam?
Formosa Hà Tĩnh đã xâm hại các giá trị cốt lõi của Việt Nam như thế nào?
Không thể ‘huề cả làng’
Những chuyện tào lao
#Giải cứu khởi nghiệp
Tags:kinh tế sốTrung Quốc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này